Doanh nghiệp vẫn 'ngóng' gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế
Nhiều doanh nghiệp đang mong chờ các chính sách hỗ trợ được thực hiện để tạo động lực phục hồi kinh tế, nhất là chính sách trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng.
Mới chỉ có chính sách giảm thuế VAT được triển khai
Năm 2022 được xác định cần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì vậy ngay từ đầu năm, hàng loạt các gói hỗ trợ đã được đưa ra. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được triển khai.
Nhiều doanh nghiệp thời điểm này đang mong chờ các chính sách hỗ trợ khác sớm được thực hiện để tạo động lực phục hồi, nhất là chính sách trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua đầu năm nay.
Công ty CP sản xuất thương mại xuất khẩu cà phê Napoli từng phải đóng gần 3.000 quán cà phê trong nhiều tháng đã gặp phải nhiều khó khăn buộc phải dùng đến những nguồn tiền cuối cùng. Vì vậy, khi bình thường mới, doanh nghiệp đã ngay lập tức hoạt động lại trên 80% chuỗi cửa hàng, cho ra đời nhiều sản phẩm mới, đẩy mạnh bán hàng online trên nhiều nền tảng, kích cầu bằng chương trình giảm giá. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, còn dài hơi, doanh nghiệp vẫn từng ngày mong chờ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
"Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, còn dài hơi, doanh nghiệp vẫn từng ngày mong chờ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Qua đó hỗ trợ về người lao động sau đại dịch, hỗ trợ cho doanh nghiệp về xuất khẩu cũng như về thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội", ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại xuất khẩu cà phê Napoli cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang nón Sơn, Công ty TNHH Thời trang nón Sơn không chỉ khôi phục tình hình sản xuất, nguồn lao động, mà còn tiến tới mở rộng thêm nhà máy mới với quy mô hiện đại để phục vụ các đơn hàng lớn. Điều doanh nghiệp cần lúc này là Nhà nước tháo gỡ cơ chế để thủ tục xây dựng dễ dàng hơn.
"Tạo thêm các điều kiện để giao lưu, chia sẻ giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đấu tranh chống hàng gian, hàng giả đang tung hoành trên thị trường", ông Tý nói.
Gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: giảm thuế, giảm lãi suất 2%, hỗ trợ công nhân, người lao động, đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính..., tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tư, hướng dẫn để doanh nghiệp tiếp cận.
"Cần cơ chế thông thoáng, giải quyết nhanh và logistics, các điều kiện khác cũng tốt hơn", ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định: "Tổ chức triển khai thực hiện, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chương trình này. Thứ hai là làm tốt công tác tuyên truyền, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm bắt khó khăn của cơ chế chính sách, từ đó có những đề xuất, kiến nghị để phản hồi. Thứ ba là tăng cường công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo thực thi chính sách hiệu quả, đưa chính sách vào thực tế cuộc sống".
Các doanh nghiệp cũng mong muốn, ngoài sớm áp dụng, khi có thông tư hướng dẫn cần sâu sát với doanh nghiệp, tránh việc đưa ra nhiều thủ tục, yêu cầu khiến doanh nghiệp khó chồng khó.
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng chi vào những đâu?
Với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, phần lớn nhất khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Phần tiếp theo, tương ứng với khoảng 49.400 tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Chính sách này đã được áp dụng từ đầu tháng 2 và sẽ kéo dài đến hết năm nay.
Tiếp đến là phần dành cho gói cấp bù lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… khoảng 40.000 tỷ đồng. Việc cấp bù lãi suất này hiện chưa được đưa vào thực tế, mà đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, phấn đấu sẽ trình chính phủ ngay trong tháng 3 này. Đây cũng được xem là hai điểm mới rất đáng chú ý ở gói hỗ trợ lần này.
Mặt khác, trong 350.000 tỷ đồng còn có các khoản khác như: Cấp vốn cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm và khoảng 14.000 tỷ đồng cho hệ thống y tế…
Trong cả gói này, các hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khoá chiếm phần lớn. Cụ thể, khoảng 291.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 83%. Còn lại là chính sách tiền tệ, chiếm 14% và các hỗ trợ khác 3%.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một cấu phần rất quan trọng chiếm đến 1/3 gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng này. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 113 nghìn tỷ đồng sẽ ưu tiên đầu tư cho 5 nhóm dự án, bao gồm nhóm thứ nhất là hạ tầng giao thông - đây là nhóm quy mô lớn và có nhiều dự án trọng điểm quốc gia, điển hình như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Ngoài ra còn một số dự án mang tính liên kết vùng, các trục xương sống ngang dọc của vùng miền trung hay ĐBSCL.
Nhóm thứ hai thuộc ngành nông nghiệp, trong đó trọng tâm là các dự án khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai. Tiếp theo là nhóm hệ thống hạ tầng y tế cơ sở mà chúng ta đã thấy thể hiện nhiều yếu điểm trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua. Cuối cùng đó là nhóm hạ tầng chuyển đổi số và an sinh xã hội…
Đối với nhóm dự án do ngành giao thông thực hiện, đại diện Bộ GTVT cho biết đã có đề xuất 6 dự án đưa vào chương trình này.
"6 dự án của Bộ GTVT trong gói kích cầu kinh tế gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2; Dự án cao tốc Buôn Mê Thuột - Vân Phong; Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; Dự án cầu Đại Ngãi bắc qua tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh", ông Nguyễn Danh Duy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT cho hay.
Như Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư vừa chia sẻ, giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam sẽ là một trong những dự án trọng điểm sử dụng vốn từ gói hỗ trợ. Ngoài vấn đề về vốn, liệu dự án có cần thêm những yêu cầu gì đặc biệt hay không để có thể đẩy nhanh tiến độ?
Với giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải khởi công trong năm 2022. Để hiện thực hoá mục tiêu rút ngắn khoảng 6 tháng tiến độ, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các cơ chế đặc thù như tiến hành chỉ định thầu thay vì đấu thầu như giai đoạn trước, phân cấp, phân quyền cho các địa phương làm chủ đầu tư một số đoạn tuyến hay cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho công trình.
Mặt khác, khi trao đổi với đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện nay có một số vấn đề đang khiến họ rất băn khoăn. Một là quy định về định mức dự toán của các công trình giao thông hiện nay đang thấp hơn nhiều so với thực tế, có khi lên tới 30-40%. Trong khi giá cả nguyên vật liệu cứ tăng lên từng ngày.
Thứ hai là lo ngại về việc thiếu các mỏ vật liệu phục vụ cho dự án như đã từng xảy ra ở giai đoạn 1. Các nhà thầu cho rằng, Bộ GTVT cần phối hợp làm việc với các địa phương để có cơ chế giao thầu theo cụm, tức là công trình đi kèm với mỏ vật liệu. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ cũng đã có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Ngoài các dự án trọng điểm quốc gia, nhiều địa phương cũng đang trông chờ vào gói hỗ trợ trên để triển khai các dự án hạ tầng khác. Có một thực tế là không ít dự án gặp khó về vốn, chưa thể triển khai nhiều năm qua và hiện cũng đang chờ đợi chương trình hỗ trợ.
Với mục tiêu giải ngân được gói hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả trong 2 năm, nhiều cơ chế chính sách linh hoạt và đặc biệt đã được Quốc hội và chính phủ ban hành. Việc triển khai sẽ là nhiệm vụ của các bộ ngành và địa phương để làm thế nào các dự án và nhiệm vụ sớm được triển khai và mang lại những tác động lan tỏa tích cực cho nền kinh tế.
Bùi Hằng