0915 15 67 76 [email protected]
Chủ nhật, 06/03/2022 07:31 (GMT+7)

Doanh nghiệp tuần qua: Nỗi lo lạm phát leo thang, 3 tỷ phú Việt lọt top 1000 người giàu nhất TG

Tuần qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đã tạo áp lực rất lớn đến lạm phát của Việt Nam. Lo ngại trước những bất ổn khó lường của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đặt kỳ vọng lợi nhuận khởi sắc trong năm 2022.

Áp lực lạm phát gia tăng

Trong hai tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã có 4 kỳ điều chỉnh tăng liên tiếp, bình quân tăng 45,3% so với hai tháng cùng kỳ năm trước.

Giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) trong tuần này đã tăng 7,1% lên mức 104,97 USD/thùng. Vốn đang neo ở mức cao, lại thêm chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng đã đẩy giá dầu tăng cao từng ngày.

tm-img-alt
Giá dầu thế giới và giá xăng dầu ở thị trường trong nước tăng cao tạo áp lực lớn đến lạm phát của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, ngày 1/3, Liên bộ tài chính - Công thương tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu, đưa giá xăng RON 95 lên tiệm cận mức 27.000 đồng/lít, cao nhất kể từ năm 2005 đến nay.

Giá dầu thế giới và giá xăng dầu ở thị trường trong nước tăng cao đang tạo áp lực rất lớn đến lạm phát của Việt Nam, dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, mới tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói: “Nếu chỉ nhìn con số 1,68% thì thấy là thấp. Nhưng mô hình năm nay, CPI sẽ tăng dần, chứ không giảm dần như những năm trước. Vì vậy, mức tăng 1,68% lại là cao. Nếu cứ đà tăng dần như thế này, thì áp lực lạm phát là rất lớn”.

Có chung quan điểm, ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, năm nay, điều hành giá cả và lạm phát là khó nhất. “Khó nhất là bởi, đó là lạm phát nhập khẩu, lạm phát chi phí đẩy và chúng ta sẽ không thể kiểm soát được điều đó”, ông Đặng Đức Anh nói.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã nhấn mạnh điều này. “Khó nhất là giá dầu”, tất cả các quan điểm đều thống nhất như vậy.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải điều chỉnh giá để cân đối hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đã thông báo buộc phải tăng giá, dù đã cố níu sau các lần tăng giá xăng trước đó.

Nhưng khi chi phí logistics tăng, lo ngại vòng tăng giá mới của chi phí sản xuất - kinh doanh có thể bắt đầu.

3 tỷ phú Việt góp mặt trong nhóm 1.000 người giàu nhất hành tinh

Tạp chí Forbes vừa công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, đã nâng tổng tài sản ròng sở hữu lên 3,1 tỷ USD, tăng 200 triệu USD chỉ trong ít ngày qua, đa số mức tăng này đến từ diễn biến tích cực của cổ phiếu VJC.

Con số vượt mốc 3 tỷ USD đã đưa bà Thảo gia nhập danh sách 1.000 người giàu nhất hành tinh. Cụ thể là đang xếp thứ 988, tăng 125 bậc so với đầu tháng.

tm-img-alt
3 tỷ phú Việt góp mặt trong nhóm 1.000 người giàu nhất hành tinh. Ảnh minh họa.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 6,2 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với ngày đầu tháng 3. Tuy vậy, con số này giảm 1,1 tỷ USD so với so với danh sách thống kê một năm trước.

Đặc biệt, giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG), đã tăng hơn 200 triệu USD, nâng tổng tài sản của vị doanh nhân này lên mức 3,4 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên, ông Long lọt top 1.000 người giàu nhất thế giới và hiện đứng thứ 892, đồng thời là người giàu thứ 2 Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận có 3 tỷ phú USD cùng lúc gia nhập nhóm 1.000 người giàu nhất hành tinh.

Doanh nghiệp kỳ vọng mục tiêu mới trong năm 2022

Nhận định thị trường ngành thép năm 2022 sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường, Tập đoàn Hoa Sen đặt 3 phương án cho kế hoạch kinh doanh hợp nhất cho niên độ tài chính 2021-2022 với lợi nhuận sau thuế chạy từ 1.500 đến 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào. Lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2020-2021 của Hoa Sen là 1.500 tỷ đồng.

tm-img-alt
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận khởi sắc trong năm 2022. Ảnh minh họa.

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam kế hoạch kinh doanh năm 2022 với 5.950 tỷ đồng doanh thu thuần và 402 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kết quả năm 2021, BAF dự kiến doanh thu thuần giảm 43% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 25%.

Tổng Công ty Khí Việt Nam đặt mục tiêu kế hoạch năm 2022 với sản lượng hơn 9.1 triệu m3 khí; tổng doanh thu hơn 80,000 tỷ đồng (đi ngang so với năm 2021); lợi nhuận sau thuế 7,039 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước...

Sau khi vượt kế hoạch lợi nhuận 2021 hơn 79%, CTCP CNG Việt Nam đặt mục tiêu 2022 với mức tăng trưởng chỉ hơn 2%.Năm 2022, CNG đặt mục tiêu doanh thu hơn 3,232 tỷ đồng và lãi trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 7% và hơn 2% so với kết quả năm 2021...

Hệ sinh thái Sun Group thêm thành viên mới - Sun Air

Hãng hàng không Sun Air của Tập đoàn Sun Group đã nhận được Giấy phép kinh doanh hàng không.

Với số vốn đăng ký 100 tỷ đồng, Sun Air tập trung vào dịch vụ máy bay phản lực thương gia (private jet). Đây cũng là hãng hàng không chung phân khúc hạng sang đầu tiên của Việt Nam, cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa.

tm-img-alt
Hệ sinh thái Sun Group thêm thành viên mới - Sun Air. Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam, khái niệm hàng không chung (general aviation) còn khá mới. Đây là hoạt động kinh doanh hàng không nhằm mục đích sinh lợi từ phương tiện bay dân dụng. Các loại phương tiện bay trong mảng hàng không chung rất đa dạng, có thể máy bay cánh bằng, trực thăng, khinh khí cầu, tàu lượn, máy bay thực nghiệm, máy bay siêu nhẹ thể thao, trực thăng cứu hộ...

Ở Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp khai thác thị trường này, như Công ty Trực thăng miền Bắc, Hải Âu Aviation, Vietstar Airlines.

Tham gia vào lĩnh vực hàng không chung sôi động này, SunAir thể hiện tham vọng lớn hơn khi bao quát đa dạng loại hình phương tiện phục vụ thương gia. Theo lộ trình, từ quý III/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thuỷ phi cơ.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp tuần qua: Nỗi lo lạm phát leo thang, 3 tỷ phú Việt lọt top 1000 người giàu nhất TG. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023