0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 13/11/2023 16:39 (GMT+7)

Doanh nghiệp than lãi cao, ngân hàng nói đã thấp nhất từ trước đến nay

Doanh nghiệp bất động sản than lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, quy trình cho vay còn nhiều vướng mắc. Đáp lại đại diện ngân hàng cho rằng, lãi vay đã thấp nhất từ trước đến nay, thủ tục cho vay phải thẩm định kỹ bởi bất động sản đang rất khó khăn.

Doanh nghiệp kiến nghị gì?

Sáng ngày 13/11, phát biểu tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, thời gian qua Chính phủ, các ngân hàng thương mại đã có nhiều hoạt động, kiến tạo, giúp đỡ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch Vinhomes cho rằng, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp.

“Lãi suất vẫn cao, 1 số ngân hàng bị hạn chế room tín dụng, biên độ lãi suất cao. Lãi suất chưa đạt kỳ vọng", ông Hoa nói.

Cũng theo ông Hoa, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho khoản vay có tài sản đảm bảo. Cổ phiếu niêm yết, máy móc phát sinh không được gọi là tài sản đảm bảo.

Doanh nghiệp than lãi cao, ngân hàng nói đã thấp nhất từ trước đến nay - Ảnh 1
Doanh nghiệp bất động sản than lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, quy trình cho vay còn nhiều vướng mắc.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest), doanh nghiệp bất động sản vướng mắc 70% là về pháp lý. Ông Hiệp kể có dự án 15 năm chưa giải phóng mặt bằng xong, tốn thời gian. Hay như, 1 dự án đi vào triển khai phải cần trên 30 con dấu.

"Vướng mắc pháp lý ảnh hưởng sức khỏe doanh nghiệp, môi trường đầu tư FDI", ông Hiệp nói. Ông Hiệp cũng đề xuất các cơ quan liên quan cần sớm có phương án định giá đất cho địa phương áp dụng.

Ngoài ra, Chủ tịch GP.Invest cho biết, hiện nay quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng mất nhiều thời gian, từ 2-3 tháng. Vị này đề nghị nên rút ngắn quy trình xuống một tháng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Liên quan đến lãi suất, ông Hiệp cho hay, hiện mức lãi suất cho vay bất động sản vẫn còn cao hơn so với lãi suất trên thị trường. “Chúng tôi đi vay, năm đầu được ưu đãi 8%. Hết tháng 6/2023 thì theo lãi suất trôi nổi là 10,5%, lúc đầu là 11%. Cho đến tháng 10 vừa rồi vẫn tính chúng tôi là 9,5%. Hiện lãi suất huy động đang là 4,75%, cộng thêm biên độ 3% thì chỉ đến 8% là cùng. Chúng tôi cho rằng NHNN đã có chỉ đạo rất sát sao, hạ lãi suất điều hành, lãi suất tín dụng, nhưng doanh nghiệp chúng tôi vẫn phải tiếp cận với lãi suất rất cao”, lãnh đạo GP.Invest nói.

Còn theo chia sẻ của ông Lâm Hoàng Đăng, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest, quy định của NHNN liên quan đến việc vay vốn phát triển dự án phải có vốn tự có là 30% đang làm khó các chủ đầu tư.

Bởi khi thị trường địa ốc khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi, trả gốc vay và các chi phí khác thì bản thân doanh nghiệp phải ứng vốn tự có của mình ra. Vì vậy, số vốn tự có này dần dần sẽ bị giảm đi, gâp áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp.

Do đó, vị này kiến nghị NHNN xem xét giảm tỷ lệ này xuống còn 10 – 15% để giúp doanh nghiệp vượt qua trong giai đoạn khó khăn.

Còn theo diện Novaland cho biết, Tập đoàn này đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án và tiếp cận vốn tín dụng.

Novaland mong muốn Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP nhằm có phương án cuối cùng trong quản lý sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland và các dự án đang ách tắc trên cả nước.

Đại diện doanh nghiệp bất động sản này cũng đề nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (2022, 2023 và 2024).

Ngoài ra, Novaland cũng đề nghị NHNN và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn dòng thanh toán cho doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, giúp tổ chức tín dụng có thể sử dụng tối đa 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn như hiện giờ, thay vì 30%. Cùng với đó, xem xét gia hạn nợ tối đa 24 tháng theo Thông tư 02 (thay vì tối đa 12 tháng như hiện tại), áp dụng chung cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân nhằm đáp ứng được yêu cầu cơ cấu nợ toàn diện, gỡ khó cho nền kinh tế.

Trong báo cáo gửi đến Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản.

Trong đó đáng chú ý là đề nghị NHNN xem xét hướng dẫn các ngân hàng thương mại về cách hiểu và vận dụng, nới lỏng các "điều kiện vay vốn để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn" trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay.

Theo HOREA, các điều kiện vay vốn quy định trong Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN được giữ nguyên từ năm 2016 đến nay đã cho thấy tính hợp lý và ổn định của quy phạm pháp luật này.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách hiểu và thực hiện của các ngân hàng thương mại lại khác nhau về việc áp dụng các "điều kiện vay vốn", đặc biệt là điều kiện "nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp", "có phương án sử dụng vốn khả thi" (tại khoản 3) và "có khả năng tài chính để trả nợ".

Do đó, HOREA đề xuất, rất cần thiết phải đổi mới cách hiểu và vận dụng thực hiện của các ngân hàng thương mại theo hướng "không hạ chuẩn" nhưng "nới một chút" các điều kiện vay vốn để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay.

Trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay, Chủ tịch HORA đã đề xuất "nới" một số tiêu chuẩn như bỏ trần chi phí lãi vay 30%; không yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp Văn bản thẩm định "thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở" hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án, trừ trường hợp chủ đầu tư tự mình cung cấp để chứng minh năng lực hoặc để làm tài sản thế chấp; thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư…

Sếp ngân hàng nói: "lãi vay đã thấp nhất từ trước đến nay"

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, cơ cấu sản phẩm trong thị trường bất động sản chưa cân đối, giá vẫn còn cao so với thu nhập.

Vốn bất động sản đến từ kênh trái phiếu, tiền khách hàng, vốn tín dụng… Nhưng theo ông Tùng, thị trường trái phiếu có dấu hiệu phục hồi nhưng áp lực, nỗi lo của nhà đầu tư vẫn lớn. Với nguồn tiền của khách hàng, lãnh đạo Vietcombank nhận thấy nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giá xuống, chưa xuống tiền mua nhà. Còn về vốn ngân hàng Tổng giám đốc Vietcombank nói đã nhiều lần giảm lãi suất, lên tới 2,5% với tổ chức, cá nhân nhưng mặt bằng giá bất động sản cao, có xu hướng tăng.

"Lãi suất vay chỉ là một phần, các giao dịch bất động sản chủ yếu là mua đi, bán lại của các môi giới, có thể gây bong bóng bất động sản”, ông Tùng nói.

Ông Tùng thông tin thêm dư nợ tín dụng của Vietcombank cho bất động sản chiếm 24,6% tổng dự nợ của ngân hàng.

Còn theo Tổng giám đốc MB Bank Phạm Như Ánh, "lãi vay đã thấp nhất từ trước đến nay". Về các thủ tục, thẩm định cho vay, ông sếp MB Bank cho rằng, phải thẩm định kỹ bởi doanh nghiệp bất động sản giai đoạn này đang rất khó khăn. Ông nói doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng để cung cấp đầy đủ hồ sơ, không được giấu diếm.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó tổng giám đốc Techcombank - Phùng Quang Hưng cho biết lãi suất đã giảm nhiều. Lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm, có thể chỉ khoảng 7-8%, tùy sản phẩm. Ngân hàng này cũng đã phát triển nhiều giải pháp tài chính đa dạng: cho vay vốn lưu động, tài trợ...

Đại diện Techcombank kiến nghị Bộ Tài chính thúc đẩy tính thanh khoản thị trường trái phiếu để hỗ trợ kênh dẫn vốn, không chỉ phụ thuộc tín dụng. NHNN cân nhắc giảm hệ số rủi ro cho ngân hàng và xem xét giãn tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ để xếp hạng tín nhiệm.

Còn theo ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank, 70-80% khó khăn của thị trường bất động sản không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước: pháp lý, quá trình thực thi. Theo đó ông Vinh cho rằng, giải quyết vấn đề bất động sản chủ yếu phải ở cơ quan Nhà nước.

Sếp VP Bank nói doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi, xem lại mình, đặc biệt ở việc minh bạch trong sử dụng vốn, không thể "ôm" tất cả dự án.

"Chúng tôi cũng là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn", ông Vinh nói thêm.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp than lãi cao, ngân hàng nói đã thấp nhất từ trước đến nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023