Doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí: Khó khăn tiếp tục bủa vây
Sau một năm tình hình kinh doanh đi xuống do nhu cầu điện năng suy giảm, các doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí tiếp tục chịu thêm áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong đầu năm.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, dưới áp lực lạm phát, hàng loạt các nguyên liệu đầu vào cơ bản đều bật tăng trở lại sau giai đoạn điều chỉnh. Trong đó, giá than và giá dầu tiếp tục xu hướng tăng mạnh.
Riêng đối giá dầu, các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ lên mức 100 USD/thùng trong năm 2021; JPMorgan dự báo giá dầu sẽ lên 125 USD/thùng vào năm 2022 và 150 USD/thùng vào năm 2023…
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BSC, giá nhiên liệu đầu vào thế giới sẽ tiếp tục neo ở mức cao do khủng hoảng năng lượng trên thế giới do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Xét lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu nhiệt điện khí và nhiệt điện than từ 2019 tới 2021, lợi nhuận có dấu hiệu đi thụt lùi. Trong đó, 6 doanh nghiệp trong ngành có mức tăng trưởng trung bình năm 2019 là 125,2%. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 còn tăng trưởng 4,5% và sang năm 2021 thì giảm trung bình 31,1%. Trong đó, có tới 5/6 doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng âm.
Được biết, giai đoạn lợi nhuận tăng trưởng mạnh của nhóm nhiệt điện khí và than năm 2019 trùng với giai đoạn giá than và giá khí giảm sâu. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020 giá khí và than bắt đầu bật tăng trở lại và tăng mạnh từ 2021 tới nay và đang giao dịch vùng đỉnh lịch sử nhiều năm trở lại đây, ảnh hưởng lớn tới kết quả hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, khí.
Trong khi đó, nhiều năm về trước, giá than trong nước bán cho các nhà máy điện được chính phủ trợ giá, khiến giá than trong nước thấp hơn khá nhiều so với giá than quốc tế.
Tuy nhiên, cơ chế trợ giá này đã bị cắt giảm trong những năm gần đây khiến giá than trong nước có xu hướng tiệm cận với giá than quốc tế. Ngoài ra, sản lượng than trong nước không đủ cung cấp cho tất cả các nhà máy điện nên nhiều nhà máy phải sử dụng than nhập khẩu hoặc than hỗn hợp nhằm phục vụ cho việc sản xuất điện.
Theo khảo sát, giá than là nguyên liệu chính cấu thành giá vốn hàng bán của doanh nghiệp nhiệp điện than và giá khí là nguyên liệu chính cấu thành giá vốn hàng bán của doanh nghiệp nhiệt điện khí. Chính vì vậy, cơn bão giá than và giá khí có khả năng sẽ thu hẹp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nói trên.
Ngoài ra, riêng đối với nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than đang gặp khó thêm khi các tổ chức quốc tế không còn hỗ trợ vay vốn để phát triển dự án nhiệt điện than do lo ngại ô nhiễm môi trường, đặc biệt các ngân hàng đầu tư lớn tại châu Âu, Nhật Bản… đi đầu trong xu hướng hạn chế cấp vốn tài trợ dự án nhiệt điện than.
Xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện mới, ngược lại các doanh nghiệp đã vận hành ổn định và chưa vận hành với công suất tối đa nhiều khả năng chưa chịu ảnh hưởng.
Ngược lại, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VCBS, xác suất EI Nino quay trở lại từ tháng 8/2022 lên tới 35% khiến cho khả năng tích luỹ nước của các nhà máy thuỷ điện nhất là miền Bắc và miền Trung giảm sút, điều này ảnh hưởng tới cơ cấu huy động điện trong giai đoạn 2022-2023. Khả năng các nhà máy nhiệt điện tiếp tục sẽ được tăng cường huy động trong khoảng cuối năm 2022.
Trong số các doanh nghiệp nhiệt điện khí và than đang niêm yết có Nhiệt Điện Hải Phòng (HND) và Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) là hai doanh nghiệp có nhà máy mới vận hành, đang trong giai đoạn đẩy mạnh giảm nợ vay và bước vào giai đoạn vận hành ổn định, ước tính trong những năm tới, cả hai doanh nghiệp này sẽ tiếp tục giảm lãi vay và chi phí khấu hao, điều này cải thiện biên lợi nhuận ròng.
Cụ thể, tại QTP, công ty đang vận hành 2 tổ máy, tổ máy số 1 phát điện năm 2011 và tổ máy số 2 phát điện năm 2014 với công suất 1.200 MW. Ước tính tới năm 2023 công ty sẽ trả hết nợ vay, công ty bắt đầu trả cổ tức 2% trong năm 2020, năm 2021 dự kiến 10% và sau đó khi hết nợ vay và giảm mạnh khấu hao sẽ đẩy mạnh trả cổ tức cho cổ đông.
Tương tự như vậy, tại HND, công ty có 4 tổ máy. Trong đó, tổ máy 1& 2 phát điện năm 2011, tổ máy 3&4 phát điện năm 2014 với tổng công suất 1.200 MW. Ước tính tổ máy 1& 2 bắt đầu giảm khấu hao từ cuối năm 2021, dự kiến từ năm 2024 công ty sẽ hết nợ vay, điều này kỳ vọng sẽ giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận ròng và tăng cổ tức cho cổ đông trong tương lai.