Doanh nghiệp Nhật vẫn chọn Việt Nam là ‘miền đất hứa’
Trong báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự, Navigos Search nhấn mạnh, dù phải căng mình duy trì bộ máy nhân sự, song các doanh nghiệp Nhật vẫn chọn Việt Nam là "miền đất hứa".
Doanh nghiệp Nhật vẫn chọn Việt Nam là ‘miền đất hứa’
Cụ thể, trong quý II vừa qua, Navigos Search ghi nhận các công ty của Nhật Bản mới thành lập tại Việt Nam chưa thể đi vào hoạt động sản xuất được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cấp cao người Nhật hiện giữ vị trí chủ chốt trong nhà máy chưa có điều kiện sang Việt Nam, dẫn đến việc ra quyết định tuyển dụng cho một số vị trí cũng bị trì hoãn theo.
Trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh khó khăn, một số công ty hiện đang áp dụng chính sách giảm giờ làm, giảm lương hoặc điều chỉnh lại nhân sự. Một số công ty khác, do tình hình của công ty mẹ bên Nhật cũng gặp nhiều khó khăn nên phải tạm đóng cửa nhà máy trong một thời gian, hiện chưa xác định được khi nào thì hoạt động sản xuất kinh doanh của họ sẽ được tái khởi động.
Vì thế, rất ít các công ty Nhật có kế hoạch mở rộng mà chỉ tập trung duy trì bộ máy nhân sự, chỉ tuyển dụng thay thế khi có phát sinh.
Tuy nhiên, theo Navigos Search, trong quý IV sẽ có những sự biến động rõ rệt trong dịch chuyển đầu tư, từ đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp. Đặc biệt, từ nửa cuối năm, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Dự kiến, các nhà đầu tư mới sẽ tập trung vào khu vực Khu công nghiệp Thăng Long 3 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Khu công nghiệp Đồng Văn 3 thuộc tỉnh Hà Nam.
Theo Navigos Search, hiệp định thương mại EVFTA được thông qua đã nâng cao vị thế của Việt Nam và thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực Năng lượng. Nhiều dự án lớn đã và đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Một số dự án khác đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và hứa hẹn sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.
Navigos Search quan sát thấy có xu hướng dịch chuyển của nhiều chuyên gia nước ngoài trong mảng Năng lượng, chủ động tiếp cận các dịch vụ tư vấn nhân sự và tìm kiếm các cơ hội được làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia/ kỹ sư cao cấp Việt Nam đang làm việc tại các dự án nước ngoài cũng thể hiện mong muốn quay về Việt Nam mặc dù thu nhập có thể thấp hơn. Nhiều chuyên gia đã không tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc tại nước ngoài và sẵn sàng đón nhận các cơ hội việc làm tại quê nhà.
Thông tin từ Bloomberg, chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp của mình để chuyển loạt nhà máy ra khỏi Trung Quốc trở về hoạt động tại quê nhà hoặc di rời đến Đông Nam Á. Đây là vòng trả vốn đầu tiên nằm trong chương trình cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu của nước này và thoát ly hoạt động xuất khỏi Trung Quốc.
Theo kế hoạch, 30 công ty Nhật khác sẽ nhận được tiền bồi thường để chuyển sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Myanmar, Thái Lan. Theo báo cáo về Dự án đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu, có tới 15 trong số 30 công ty trên sẽ nhận tiền và chuyển hoạt động sang Việt Nam.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, đây là động thái để cải thiện lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản kể từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát và lan rộng. Dự án chuyển các doanh nghiệp sang khu vực châu Á còn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và công nghiệp Nhật Bản - ASEAN. Theo báo cáo, có tới 124 đơn vị đăng ký và 30 công ty đầu tiên được chọn trong vòng tài trợ di rời sang khu vực Đông Nam Á lần này.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm