0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 09/09/2020 17:08 (GMT+7)

Doanh nghiệp bất động sản có tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất

Các doanh nghiệp bất động sản đã và đang phải “gồng gánh” 4 áp lực và thách thức từ dịch bệnh khiến thị trường giảm tốc trong năm nay.

Năm 2020, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là chưa có điểm sáng mới bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này liên tiếp gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Tính đến hết tháng Tám, cả nước có gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực được thống kê.

Trong số đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn và có tỉ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 với 923 doanh nghiệp, tăng 136,1%.

Với con số 620 doanh nghiệp kinh doanh hoàn tất thủ tục giải thể, ở “hạng mục” này, bất động sản thuộc nhóm ngành đứng ở vị trí thứ 5, sau các nhóm lĩnh vực như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy gần 38.000 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.175 doanh nghiệp; xây dựng 897 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác với 675 doanh nghiệp.

Mặc dù số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của cả nước trong 8 tháng qua là 10.353 đơn vị - giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng trong số 9/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng thì lĩnh vực bất động sản tiếp tục được “ghi danh” với tỉ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao.

Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ đầu năm đến nay tiếp tục giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa. 

Nhận định về các nguyên nhân khiến doanh nghiệp bất động sản liên tục “dẫn đầu” về tạm dừng hoạt động, giải thể kể từ năm 2019 đến nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), chỉ rõ thị trường đã chịu nhiều khó khăn trong 2 năm liên tiếp (2018-2019). Bước sang năm 2020 lại chịu thêm tác động của dịch Covid-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.

Các doanh nghiệp bất động sản đã và đang phải “gồng gánh” 4 áp lực và thách thức từ dịch bệnh khiến thị trường giảm tốc trong năm nay.

Ông Châu phân tích trước hết là dịch bệnh làm gián đoạn, đảo lộn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản nhất là ở các khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, bán hàng - những nội dung rất quan trọng trong đặc thù kinh doanh địa ốc.

Nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận; thậm chí mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao, nợ đọng lớn dần.

Chi phí đầu tư, vốn và lãi vay đều tăng kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu.

Chi phí quản lý doanh nghiệp vì vậy cũng bị tăng cao so với doanh thu trong khi lợi nhuận lại rất “khiêm tốn” ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Với doanh nghiệp bất động sản quy mô càng lớn, càng nhiều lao động thì khó khăn sẽ thêm chồng chất, ông Châu nhận định.

Dịch bệnh làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản khi các doanh nghiệp bất động sản liên tiếp gặp “khó chồng khó” kéo dài.

Cùng chung nhận định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính phân tích thị trường gặp khó khăn từ khoảng giữa năm 2018 do chính sách kiểm soát chặt dòng tiền. Đến cuối năm 2019, thị trường biểu hiện khó khăn rõ rệt hơn vì dòng vốn vào ít, không có nhiều dự án mới, nhiều chủ đầu tư “lao đao”.

Năm 2020 tiếp tục là một năm nhiều thách thức với thị trường bất động sản do vấn đề chậm cấp phép chưa thể được giải quyết, trong khi tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.

Để đối phó tình hình giao dịch, thanh khoản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động da dạng cách tiếp thị và bán hàng cho phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Một số doanh nghiệp buộc phải cầm cự để chờ diễn biến của dịch Covid-19 rồi mới bung hàng hoặc dời kế hoạch triển khai dự án vào quý cuối của năm 2020.

Hội Môi giới Bất động sản cũng cho rằng trước tình trạng khó khăn chung của thị trường, các loại hình doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự cùng giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa, chuyên nghiệp... nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí...

Cùng đó, doanh nghiệp phát triển bất động sản nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn có tỉ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.

Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản, việc tạm dừng hoạt động hay giải thể của doanh nghiệp bất động sản cũng không nên đổ hết lỗi cho những khó khăn chung như: thủ tục phát triển các dự án ngày càng khó khăn và nhiều rào cản hay việc siết chặt dòng vốn cho thị trường này...

Khi hoạt động trên thị trường, các doanh nghiệp đều phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh chung. Việc sớm nắm bắt được cơ hội và chọn hướng đi đúng cho phân khúc sản phẩm cũng như tạo dựng thương hiệu uy tín để lấy niềm tin của khách hàng chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp bất động sản thành công và vượt qua khó khăn để trụ lại.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp bất động sản có tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới