0915 15 67 76 [email protected]
Thứ bảy, 18/09/2021 10:19 (GMT+7)

Người dân đi xe buýt ở Hà Nội sau 21/9, hành khách cần điều kiện gì?

Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau khi thành phố nới lỏng giãn cách từ ngày 21/9 tới.

Theo Sở GTVT Hà Nội, sẽ có 3 tiêu chí được xem là quan trọng nhất gồm: Thẻ xanh; Tần suất hoạt động; Lộ trình.

Về tiêu chí tần suất hoạt động, sau 21/9, căn cứ tình hình thực tế công tác phòng chống dịch, Sở GTVT sẽ đưa ra phương án xe buýt hoạt động 50% công suất (trên xe không chở quá 50% hành khách theo số ghế), sau 15 ngày sẽ có tính toán để điều chỉnh lại công suất này.

Với tiêu chí về lộ trình, các tuyến hoạt động trong khu vực vùng xanh, sẽ chạy theo lộ trình đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Các tuyến buýt chạy liên vùng sẽ có điều chỉnh để tránh những vùng đỏ nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Đáng lưu ý, tại bộ tiêu chí này, Sở GTVT Hà Nội nấn mạnh nhất các tiêu chí “thẻ xanh Covid” và “thẻ vàng Covid”.

Cụ thể: “thẻ xanh Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm mũi vắc xin thứ 2 được 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã được tiêm 1 mũi vắc xin (đối với các loại vắc xin chỉ cần tiêm 1 mũi như vắc xin Janssen của Johnson & Johnson) được 14 ngày và không quá 12 tháng; người nhiễm Covid đã khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh.

“Thẻ vàng Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng các điều kiện là đã tiêm 1 mũi đối với vắc xin có yêu cầu 2 mũi được 14 ngày.

tm-img-alt
Lái xe buýt đo nhiệt độ hành khách trước khi lên xe- Ảnh minh họa

Đối với các cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử (sổ sức khoẻ điện tử) có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan như: giấy chứng nhận tiêm chủng bảo đảm điều kiện của thẻ xanh/thẻ vàng.

Đối với hành khách, Sở GTVT Hà Nội cho biết cần thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K”; khai báo y tế điện tử (chỉ khai báo y tế bằng giấy theo mẫu tờ khai của Bộ Y tế khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử); hạn chế nói chuyện, ăn uống trong suốt chuyến đi và chủ động khai báo nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

Với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên phục vụ tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) phải được đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cả trước, trong và sau khi kết thúc thời gian làm việc theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội.

Đề cập đến tiến độ triển khai, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tuần này sẽ xây dựng xong phương án và báo cáo xin ý kiến UBND thành phố. Sau đó sẽ có phương án chi tiết để các đơn vị vận hành buýt thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Người dân đi xe buýt ở Hà Nội sau 21/9, hành khách cần điều kiện gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới