Đến năm 2030, 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến năm 2030, phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.
Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, các doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở, hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ.
Đồng thời, thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng và triển khai các chương trình khuyến khích điện mặt trời mái nhà trong doanh nghiệp và hộ gia đình, chương trình tuyên truyền phổ biến trang thiết bị tiết kiệm điện trong các hộ gia đình như điều hòa, tủ lạnh, đèn LED, máy giặt…
Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi dán nhãn năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi thị trường đối với sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống.
Theo Thủ tướng Chính phủ, việc cung ứng điện cho nền kinh tế trong nhiều năm qua luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội.
Tuy nhiên, nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân khoảng 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Được biết, trong những ngày qua, tình hình nắng nóng gay gắt diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước thời gian quan đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.
Trước đó, chiều 7/6, thông tin về tình hình cung ứng điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà.
“Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/06. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết.
Như vậy, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực thông tin.
Lan Anh