Đề xuất mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP
Bộ Tài chính cho biết, ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Qua hơn 3 năm thực hiện, Nghị định 20 đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh chống chuyển giá. Tuy nhiên, Nghị định 20 có quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu áp dụng nên không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai.
Cụ thể, việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay mà không cho trừ doanh thu lãi tiền gửi, lãi cho vay gây bất cập đối với doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại, quản lý quỹ, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty, công ty chứng khoán.
Mức khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP là 20%, đây là mức trung bình trong biên độ 10%-30% theo khuyến nghị của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, đối với điều kiện của Việt Nam mới áp dụng quy định nên đã tạo ra phản ứng của các doanh nghiệp, vì vậy cần nghiên cứu để quy định tỷ lệ khống chế phù hợp…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP, theo đó: Điều chỉnh tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay sau khi cho trừ lãi tiền cho vay và nâng ngưỡng khống chế từ 20% lên 30%; quy định rõ về chi phí lãi vay thuần; quy định một số trường hợp ngoại trừ không áp dụng khống chế chi phí lãi vay.
Về hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép áp dụng quy định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngay trong kỳ tính thuế năm 2019.
Trước đó như Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin, mới đây, Chính phủ cũng đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Chính phủ đưa ra đề xuất này nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh,vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Dựa thảo đưa ra mức giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Theo Chính phủ, việc đề xuất giảm thuế đối với trường hợp doanh nghiệp trên nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
“Theo ước tính, việc thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) của năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo