0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 15/06/2022 13:00 (GMT+7)

ĐBQH: Cần nêu cao vai trò bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí

Theo ĐBQH Nguyễn Văn An, đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí, quy định tại dự thảo Luật còn chưa cụ thể, dẫn đến khó để đảm bảo triển khai trong thực tiễn, chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường.

Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn

Ngành dầu khí có vai trò quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật Dầu khí hiện hành được ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước, chiếm 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5-6%), chiếm 10-13% GDP cả nước.

ĐBQH: Cần nêu cao vai trò bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016-2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí (là tỷ lệ giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp. Đáng chú ý, môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn, từ năm 2019 đến nay, không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là thiết lập cơ chế, chính sách một cách bao quát, cụ thể, rõ ràng, để các nhà đầu tư tham gia các dự án dầu khí có thể yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án theo đúng quy định của Luật Dầu khí mà không gặp vướng mắc theo quy định tại các luật khác. Hiện hoạt động dầu khí đang bị “trói buộc” bởi hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, do một số luật liên quan đến hoạt động của ngành dầu khí, như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... đều ra đời sau so với Luật Dầu khí năm 1993 nên dẫn tới sự đan xen, trùng lặp cần phải được xử lý.

Cần bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí

Phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) cho biết, đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí, quy định tại dự thảo Luật còn chưa cụ thể, dẫn đến khó để đảm bảo triển khai trong thực tiễn, chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát hợp đồng dầu khí và các hoạt động dầu khí, các quy định này thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì hầu như các cái mỏ đều nằm ở ngoài biển xa và muốn tới đó để kiểm tra, khảo sát tình hình sinh thái, môi trường biển quanh mỏ rất khó khăn.

ĐBQH: Cần nêu cao vai trò bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) tham gia thảo luận.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cũng được Đại biểu quan tâm là các quy định để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên Biển Đông.

Lần sửa đổi này, đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, cơ quan trình Dự án Luật đề nghị giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm .

Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, Dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí. Cụ thể: mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa quy định mức thuế suất này), thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% (nằm trong khung thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định) và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Theo Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã bổ sung rất nhiều quy định để nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, thể hiện rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Tuy nhiên, điều khiến Đại biểu băn khoăn là Dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Nhất là các chính sách ưu đãi đầu tư lại chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản.

Do đó, Đại biểu Hiếu đặt vấn đề, nên chăng áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại Chương VI của Dự thảo đối với hoạt động điều tra cơ bản. Và trong trường hợp không áp dụng thì nên thiết kế ngay trong Luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản.

Đề cập vấn đề rất thời sự là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, ông Hiếu cho rằng, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong Dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu.

Tuy nhiên, thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí…

Những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn, ông Hiếu phát biểu.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH: Cần nêu cao vai trò bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới