Đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 27,75% kế hoạch giải ngân vốn
Tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 mà Bộ Tài chính vừa công bố số liệu đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm ước đạt 27,75% kế hoạch
Theo thông tin, có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, 25 Bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, cá biệt có 4 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Theo Nghị quyết về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách Trung ương đã được giao trong dự toán đầu tư nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần vốn.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công phải bằng các biện pháp căn cơ, lâu dài
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và chúng ta đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Mặt khác, ông Dũng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, thì không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.
Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta cũng không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi”.
Cùng với đó, yếu tố rất quan trọng nữa đó là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động trước được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ trưởng, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.
Bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…, thì cũng cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu… Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và chúng ta đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, thì không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.
Bùi Hằng