Đất xanh Group muốn phát hành ESOP và 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ: Ai được lợi?
Đất Xanh Group muốn phát hành cổ phiếu 0 đồng thì vốn hóa của công ty sẽ giảm xuống, còn 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá ưu đãi lại chưa có gì đảm bảo chắc chắn.
Dòng tiền thâm hụt, doanh nghiệp liên tục huy động vốn
Mới đây, CTCP Tập đoàn Đất Xanh - Đất Xanh Group (Mã chứng khoán DXG - sàn HOSE) thông báo tài liệu Đại hội cổ đông năm 2021, đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/6 tại TP.HCM.
Mặc dù kết quả kinh doanh năm qua không mấy khả quan, không hoàn thành kế hoạch năm 2020, song Đất Xanh Group dự kiến năm 2021, doanh thu đạt 9.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 1.350 tỉ đồng. Công ty cho biết sẽ tiếp tục bàn giao 3 dự án gồm Gem Sky World (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Opal Boulevard (Phạm Văn Đồng, quận TP.Thủ Đức) và St.Moritz (Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức).
Ảnh minh họa. |
Trong tài liệu, doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh năm 2020 với doanh thu là 2.891 tỉ đồng, bằng 59% so với kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế âm 496 tỉ đồng so với kế hoạch 1.034 tỉ đồng. Với lợi nhuận âm trong năm tài chính, doanh nghiệp trình cổ đông không chia cổ tức năm 2020. Trước đó, tại Đại hội cổ đông năm 2020, DXG dự kiến trả cổ tức năm 2020 tỉ lệ 20%.
Khó khăn về tài chính, Đất Xanh Group tiếp tục lên kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu trong năm 2021. Theo đó, doanh nghiệp trình cổ đông kế hoạch phát hành thêm 7 triệu cổ phiếu ESOP năm 2021 cho cán bộ nhân viên công ty, tương ứng 1,35% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Doanh nghiệp sẽ dùng nguồn vốn chủ sở hữu để phát hành thưởng cho nhân viên, số tiền dự kiến thu về là 0 đồng.
Bên cạnh đó, DXG cũng lên kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chiếm 38,59% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành dự kiến chiết khấu tới 20% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm quyết định giá. Mục đích phát hành để huy động vốn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Trước đó, trong quý I/2021, doanh nghiệp này đã phát hành 370 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định tối đa là 12%/năm, thời gian phát hành vào ngày 18/3/2021.
Theo báo cáo quý I/2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Đất Xanh Group âm 516,5 tỉ đồng, cùng kỳ âm 1.484,5 tỉ đồng. Để bù đắp dòng tiền thâm hụt, doanh nghiệp phải huy động vốn tài chính. Nhờ đó, dòng tiền tài chính dương 1.188,5 tỉ đồng, chủ yếu đến từ tăng vay nợ ròng.
Dễ thấy, tình trạng thiếu hụt dòng tiền xảy ra ở Đất Xanh Group kéo dài từ năm 2016 đến năm 2020. Trong đó, năm 2016 âm 467,3 tỉ đồng; năm 2017 âm 1.054,1 tỉ đồng; năm 2018 âm 931,8 tỉ đồng; năm 2019 âm 1.645,8 tỉ đồng và năm 2020 là âm 780,2 tỉ đồng. Doanh nghiệp chủ yếu huy động dòng tiền từ chủ sở hữu và nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh thâm hụt kéo dài.
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của DXG tăng 10,1% so với đầu năm lên 25.674,6 tỉ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 10.148,7 tỉ đồng, chiếm 39,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.325,1 tỉ đồng, chiếm 32,4% tổng tài sản, tăng 15,4% so với đầu năm; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.293,6 tỉ đồng, chiếm 5% tổng tài sản. Ngoài ra, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn cũng đã tăng 20,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.192,2 tỉ đồng lên 7.137,5 tỉ đồng và chiếm 27,8% tổng nguồn vốn. Nhờ dòng tiền huy động vốn từ nợ vay tăng thêm đã giúp số dư tiền mặt của doanh nghiệp tăng trong kỳ. Kết thúc quý đầu năm 2021, Đất Xanh Group ghi nhận doanh thu đạt 2.953,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 711,8 tỉ đồng, lần lượt tăng 390,9% và 659,7% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 60,5% về còn 58,8%. |
Nhanh chân cứu mình, kệ người?
Như đã thông tin, mục đích của đợt phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ tới đây nhằm mục đích huy động vốn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, việc giá phát hành dự kiến chiết khấu tới 20% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm quyết định giá sẽ tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư.
Cụ thể, mức giá phát hành riêng lẻ quá thấp so với giá thị trường sẽ khiến tỉ lệ cổ phiếu bị pha loãng, số cổ phiếu tăng lên, dẫn tới EPS giảm xuống và định giá P/E tăng lên, điều này làm cổ phiếu kém hấp dẫn về định giá so với các doanh nghiệp khác trong ngành, đẩy rủi ro cho nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu trên sàn.
Thông thường, phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ khiến nhiều cổ đông nhỏ lẻ không thực sự hào hứng bởi họ sẽ phải nộp thêm tiền, nhưng lại cần thời gian khá dài để doanh nghiệp chứng minh hiệu quả từ đồng vốn huy động. Đây là rào cản lớn khi nhà đầu tư cá nhân thường không kiên trì đồng hành với doanh nghiệp, hoạt động đầu tư chủ yếu mang tính lướt sóng.
Bên cạnh đó, trên thị trường không ít nhà đầu tư có tính đầu cơ lớn vào cổ phiếu, thường dùng margin lớn và khi doanh nghiệp công bố phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, những nhà đầu tư này đã vội vàng bán cổ phiếu vì khó khăn trong việc thu xếp tài chính.
Nếu tính theo thị giá DXG thời điểm công bố khoảng 28.000 đồng/cp, ước tính giá phát hành riêng lẻ sẽ vào khoảng 22.000 đồng/cp. Ngay khi phương án phát hành cổ phiếu xuất hiện, cổ phiếu DXG đã bị giới đầu tư bán mạnh và thậm chí giảm sàn trong 2 phiên giao dịch liên tiếp (8/6 và 9/6). Thị giá DXG kết thúc phiên giao dịch 9/6 chỉ còn 24.100 đồng/cp, kết thúc phiên giao dịch 10/6, giá giảm chỉ còn 23.600 đồng/cp.
Theo dõi cổ phiếu của Đất Xanh Group trong thời gian dài, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại TP.HCM nhận thấy: "Khi lượng cổ phiếu 0 đồng tăng lên thì vốn hóa của công ty phải giảm xuống. Còn 200 triệu cổ phiếu phát hành cho đối tác chiến lược (có thể là công ty con của Đất Xanh Group thành lập ra), với số lượng cổ phiếu này thì kiểu gì đơn vị phát hành cũng thu lời bởi không có gì đảm bảo cho lượng cổ phiếu phát hành ra".
Nhận định thời điểm Đất Xanh Group công bố thông tin phát hành cổ phiếu trước thềm ĐHCĐ 2021, nhà đầu tư này cho rằng, thời điểm DXG tăng mạnh thì lượng cổ phiếu đã phân phối hết ra ngoài thị trường. Bây giờ tin tức "xấu" xuất hiện thì giá cổ phiếu DXG xuống càng thấp, nhà đầu tư nào sốt ruột bán ra thì người bán ra trước đó (cổ đông chiến lược của Đất Xanh Group) sẵn sàng mua lại và hưởng lợi lớn từ số tiền chênh lệch giữa thời điểm bán và thời điểm mua.
"Đây có thể chỉ là cuộc chơi về mặt thông tin có dự tính từ trước, nếu nhà đầu tư "non tay" dễ bị cuốn vào vòng xoáy mà bản thân không nhận ra, bán tháo cổ phiếu DXG vào thời điểm này chưa chắc đã là quyết định sáng suốt" - nhà đầu tư nhận xét.
Nhằm "xoa dịu" cổ đông và nhà đầu tư, sáng 10/6, Đất Xanh Group phát đi thông cáo nhấn mạnh rằng, đối với đợt phát hành ESOP này, tập đoàn dự kiến áp dụng chính sách phong tỏa trong vòng 5 năm để đảm bảo tính cam kết của đội ngũ nhân sự.
Được biết, trước khi DXG giảm giá mạnh, lãnh đạo của doanh nghiệp này đã bán ra thị trường số lượng lớn cổ phiếu. Cụ thể, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh đã bán 690.000 cổ phiếu ngay khi DXG lập vùng đỉnh, giao dịch trong 2 ngày 3/6 và 4/6.
Trước đó không lâu, ông Lê Hào - Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cũng đã bán ra 150.000 cổ phiếu. Sau khi lãnh đạo chốt lời siêu lãi, cổ phiếu công ty này quay đầu lao dốc không phanh trước thông tin họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới.
Theo Thanh Anh/Tạp chí Kinh tế Môi trường