0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 08/10/2020 09:01 (GMT+7)

'Đại gia bê tông' Beton 6 áp lực nợ nần, bị chủ nợ rao bán rầm rộ

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2019 đã kiểm toán, nợ phải trả của Beton 6 hơn 913 tỷ đồng, đã vượt hơn 2% so với tổng tài sản của Công ty.

 CTCP Beton 6 (UPCoM:BT6) được thành lập vào năm 1985, Beton 6 từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường.

Tháng 11/2015, Công ty đã hủy niêm yết toàn bộ cổ phần của mình trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với lý do tập trung cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiện quả sản xuất kinh doanh. Dù vậy, kể từ khi rời sàn HOSE, kết quả kinh doanh của Beton 6 bắt đầu bước vào đà trượt dài.

Tháng 12/2019, Công ty đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Đến ngày 16/1/2020, Tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản với công ty này.

Hiện, toàn bộ tài sản trong công ty đều bị ngân hàng niêm phong để siết nợ với khoản nợ lên đến hơn nghìn tỷ đồng. Người lao động nghỉ việc chưa được trả trợ cấp với số tiền hàng tỷ đồng.

Beton 6 từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam. 

Theo BCTC công ty mẹ năm 2019 đã kiểm toán, số dư nợ ngắn hạn của BT6 hơn 349,9 tỷ đồng. Nợ dài hạn giảm từ 4 tỷ đồng xuống còn hơn 1,7 tỷ đồng.

Trong đó, vay ngắn hạn ngân hàng VietinBank (188,1 tỷ đồng), Vietcombank (hơn 63,7 tỷ đồng), Eximbank (hơn 63 tỷ đồng), NCB (29,6 tỷ đồng). Như vậy, tổng vay ngắn hạn ngân hàng hơn 344,6 tỷ đồng và được đảm bảo bằng các khoản phải thu khách hàng cũng như quyền đòi nợ từ các hợp đồng thi công và các tài sản máy móc.

Đáng chú ý, BT6 không có khả năng trả được các khoản vay ngắn hạn do đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa có luồng tiền để thanh toán.

Các khoản vay dài hạn của BT6 đến cuối năm 2019 bao gồm Công ty TNHH Cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam (hơn 1,4 tỷ) và Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (hơn 233 triệu đồng).

Mới đây, VietinBank vừa có thông báo xử lý khoản nợ hàng trăm tỷ của BT6. Trước đó, vào tháng 11/2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng đã rao bán khoản nợ của BT6, công ty có liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy (cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan).

Theo BCTC công ty mẹ năm 2019 đã kiểm toán, BT6 ghi nhận doanh thu giảm hơn một nửa xuống còn 59,5 tỷ đồng, khấu trừ chi phí Công ty tiếp tục báo lỗ ròng hơn 82 tỷ. Như vậy, lũy kế đến cuối năm 2019 gần 425 tỷ đồng, vốn chủ chính thức âm hàng chục tỷ.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty đạt hơn 890,5 tỷ đồng, giảm 5% so với cuối năm 2018. Trong đó bao gồm hơn 525,7 đồng tài sản ngắn hạn và hơn 364,8 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Đáng chú ý, nợ phải trả hơn 913 tỷ đồng (tăng 4% so với cuối năm 2018) đã vượt hơn 2% so với tổng tài sản của Công ty. Khoản phải thu ngắn hạn ở mức hơn 364.2 tỷ đồng, giảm 5%. Nợ quá hạn ghi nhận hơn 372,2 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 5% so với cuối năm 2018.

Tháng 10/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định tạm dừng giao dịch trên sàn UPCoM đối với BT6 do chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019. Thời gian tạm dừng giao dịch là trong ba phiên từ 2/10 - 4/10.

Trong BCTC kiểm toán năm 2018, kiểm toán từng đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động của Beton 6 khi công ty này lỗ lũy kế 342,5 tỷ đồng và có nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 312 tỷ đồng.

Năm 2019, lãnh đạo BT6 dự tính sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia tái cấu trúc Công ty, chỉ giữ lại các mảng kinh doanh có lợi nhuận.Tuy nhiên, với những khoản nợ tồn đọng và kinh doanh bết bát, phương án của BT6 đã không được hưởng ứng.

BT6 được thành lập vào năm 1985. Tới năm 2008, nhóm nhà đầu tư chiến lược HB Group đã đầu tư vào BT6 với đại diện là ông Trịnh Thanh Huy, Chủ tịch HĐQT HB Group.

Ông Trịnh Thanh Huy được biết đến là một trong những cổ đông sáng lập Tập đoàn Masan (MSN) tại Nga cùng với ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh. Năm 2006, ông Huy tham gia thành lập Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương (quận 2, TPHCM) và Kusto Group, tập đoàn đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp niêm yết như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), CTCP Gemadept (GMD).

Ông Trịnh Thanh Huy bắt đầu tham gia vào HĐQT của BT6 từ năm 2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay.

Trước Beton 6, một doanh nghiệp khác mang dấu ấn của ông Trịnh Thanh Huy là CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) cũng đã phá sản.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết 'Đại gia bê tông' Beton 6 áp lực nợ nần, bị chủ nợ rao bán rầm rộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới