Đà Nẵng tổng kết Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời”
Với các kết quả đạt được từ Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời”, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án về sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua ứng dụng năng lượng tái tạo...
Sáng 27/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng phối hợp với phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng” do Liên minh châu Âu tài trợ.
Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng” do Liên minh châu Âu tài trợ được triển khai từ 7/2017 (40 tháng), với tổng vốn viện trợ 393.000 UER. Mục tiêu của dự án là góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch tại Đà Nẵng trên cơ sở phát triển bền vững.
Đà Nẵng tổng kết Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời” |
Dự án gồm 3 hợp phần: Hỗ trợ xây dựng thể chế nhằm phát triển các khung chính sách và quy định về phát triển năng lượng mặt trời; lắp đặt thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời tại một số địa điểm được chọn để trình diễn và nhân rộng mô hình; nâng cao năng lực và trao đổi kinh nghiệm về phát triển năng lượng mặt trời.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng Thái Bá Cảnh khẳng định: Phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió… là một trong những ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam nhằm hướng tới giảm thiểu gánh nặng lên hệ thống năng lượng quốc gia.
Với các kết quả đạt được từ Dự án, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án về sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua ứng dụng năng lượng tái tạo với các hoạt động thiết thực, đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ để có nhiều hộ gia đình sử dụng điện năng lượng mặt trời trên địa bàn.
Ông Thái Việt Hùng - Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương TP Đà Nẵng cho hay, theo lộ trình phát triển điện năng lượng mặt trời giai đoạn 2025-2035 tại Đà Nẵng qua 4 lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ thương mại, khu vực dân cư và khu vực công (gồm chợ, cơ sở hành chính, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế) dự báo tổng tiềm năng điện năng lượng mặt trời lắp đặt có sản lượng là 145.789 Mw/h, lũy kế đến năm 2035 là 422.262Mw/h.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm