Cuối năm, nợ xấu ngân hàng có thể xấu hơn
Xu hướng chung của nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2022. Nhưng tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng cũng như các yếu tố vĩ mô.
Nợ xấu gia tăng
Con số mới công bố cho thấy, nợ xấu trên dư nợ vay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cuối quý III/2022 tăng cao. Tính đến ngày 30/9, tổng nợ xấu tại VietBank tăng 35% so với đầu năm, chiếm 2.486 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, lên tới 1.841 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lãi ròng sau thuế giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu của ABBank tính đến 30/9 là gần 1.896 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.207 tỷ đồng, tăng 40%; tỷ lệ nợ xấu của ABBank là 2,35%, xấp xỉ mức đầu năm.
Con số về tình hình kinh doanh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, Saigonbank thu được hơn 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21%. Tuy nhiên, tới cuối quý III, tổng nợ xấu của Saigonbank lên mức hơn 391 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 76% chỉ còn 10,1 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) lại tăng 16,6 % lên mức 127 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn 30% lên mức hơn 253 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng này tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,13%.
Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) cho thấy, ngân hàng này đạt thu nhập lãi thuần quý III là 462 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.323 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, dư nợ của VietCapital Bank là 50.852 tỷ đồng, tăng 9,6%; nợ xấu của nhà băng này là 798 tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm. Đáng chú ý, tốc độ tăng của nợ xấu phải trích lập dự phòng trong 9 tháng đầu năm của ngân hàng này có xu hướng tăng nhanh hơn so với tăng trưởng dự nợ bình quân.
Còn theo báo cáo tài chính quý III/2022, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt thu nhập lãi thuần hơn 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận của ACB đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2021. Đến hết tháng 9, dư nợ cho vay khách hàng của ACB đạt hơn 402.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ACB là 1%, mức cao nhất từ năm 2018 đến nay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ACB tăng gấp đôi so với cuối năm 2021 lên gần 3.200 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022, ghi nhận mức lỗ ròng sau thuế hơn 196 tỷ đồng, kéo theo kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm bị âm hơn 180 tỷ đồng.Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của NCB nhảy lên 14,7%,
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/9 của Techcombank ở mức 0,6%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 165%.
Tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Masvn), tỷ lệ nợ xấu trung bình của nhóm ngân hàng niêm yết tăng 20 điểm cơ bản lên mức 2,1% giai đoạn cuối quý II/2022. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu thấp, còn tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng nhỏ lại tăng đáng kể.
Các chuyên gia tại Masvn cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu gia tăng ở nhiều ngân hàng gần đây là do các khoản nợ tái cơ cấu đang dần hết thời gian ân hạn.
Nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước quy định các khoản cho vay sẽ được phép tái cơ cấu và được giữ nguyên nhóm nợ (nợ nhóm 1). Đến hết thời gian ân hạn, nếu khoản nợ tái cơ cấu không được trả đúng định kỳ thì sẽ trở thành nợ xấu (bỏ qua bước chuyển sang nợ nhóm 2) và các khoản nợ khác của cá thể đi vay đó tại cùng hoặc các tổ chức tín dụng khác sẽ cùng bị xếp hạng tại nhóm nợ thấp nhất.
Với “khoản nợ tái cơ cấu” được trả nợ gốc và lãi phát sinh đầy đủ trong 3 tháng liên tiếp sẽ được chuyển lại về nợ nhóm 1 sau khi kết thúc thời gian ân hạn.
Bên cạnh đó, với tình hình kinh tế có nhiều dấu hiệu khó khăn nhất là ở khu vực chứng khoán, bất động sản và những ảnh hưởng từ lạm phát sẽ khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư khó có thể thanh toán được các khoản vay theo cam kết. Điều đó sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng lên.
Xu hướng chung của nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2022. Nhưng tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng cũng như các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Những khoản nợ xấu gia tăng thì nguồn vốn đầu tư sẽ bị đóng băng, không có khả năng thu hồi, kéo theo đó là khả năng thanh toán giảm. Hơn nữa, nợ xấu gia tăng thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ suy giảm. Khi ngân hàng không đạt được kế hoạch lợi nhuận với những khoản nợ khó đòi trong nhiều quý thì chính ngân hàng cũng thành con nợ với những khoản nợ khổng lồ.
Hoàng Lan