0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 08/07/2023 11:07 (GMT+7)

Cung ứng điện trong các năm 2024-2025 vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình cung ứng điện giai đoạn tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các năm 2024-2025, ở khu vực miền Bắc.

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,09 tỉ kWh, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác điều hành giá điện trong 6 tháng đầu năm 2023 được triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện đã từng bước được nâng cao với sự tham gia cạnh tranh của 108 nhà máy (tổng công suất 30.768MW) và 6 đơn vị mua điện. Việc vận hành thị trường điện đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện, tăng cường tính chủ động của các nhà máy điện trong công tác vận hành, đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành Điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tình hình cung cấp điện ổn định trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên cuối tháng 5 và đầu tháng 6 xảy ra nắng nóng tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt.

Cung ứng điện trong các năm 2024-2025 vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh 1
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6 xảy ra nắng nóng tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt.

Trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây khó khăn rất lớn về cung ứng điện dẫn đến phải tiết giảm điện tại một số khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Công Thương ngày 7/7, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết, sau hơn 10 năm (từ năm 2010 trở lại đây) liên tục đảm bảo cung ứng điện, EVN đã gặp rất nhiều khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện các tháng mùa khô năm 2023.

Trong hơn 20 ngày của tháng 6/2023, EVN đã phải thực hiện tiết giảm điện tại các tỉnh thành miền Bắc.

Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công Thương; được sự phối hợp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đảm bảo nhiên liệu cho phát điện và lưu lượng nước về các hồ thủy điện tốt hơn, EVN đã cơ bản đảm bảo cung ứng điện trở lại từ ngày 23/6/2023.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc EVN cho hay, qua cân đối cung cầu cho thấy tình hình cung ứng điện giai đoạn tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các năm 2024-2025, ở khu vực miền Bắc.

Nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, EVN sẽ đề xuất các giải pháp trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, ngoài các giải pháp về vận hành hệ thống điện, đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện, đảm bảo độ khả dụng của tổ máy, cần đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt, có cơ chế để phát triển nhanh các dự án điện khí LNG, bổ sung nhanh các nguồn điện cho khu vực phía Bắc như điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm (nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền); đôn đốc, giám sát chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố. Bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy; thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Chiến lược phát triển ngành Điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tích cực triển khai xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ còn xảy ra đến khoảng giữa tháng 7/2023, sau đó, nửa cuối tháng 7 nền nhiệt độ có xu hướng giảm hơn so với trung bình nhiều năm và khả năng nắng nóng không gay gắt và không kéo dài. Đến tháng 8 và nửa đầu tháng 9, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng nhưng cũng không gay gắt và kéo dài.

Trong đợt nắng nóng từ ngày 4 - 7/5, ở khu vực Trung Bộ nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử như Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ C (giá trị lịch sử 41,7 độ C); Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C (giá trị lịch sử 41,8 độ C); Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C (giá trị lịch sử 42,7 độ C); Tây Hiếu (Nghệ An) 43,3 độ C (giá trị lịch sử 42 độ C ); Hương Sơn (Hà Tĩnh) 42,3 độ C (giá trị lịch sử 42 độ C)...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cung ứng điện trong các năm 2024-2025 vẫn còn nhiều khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới