Cục Xuất nhập khẩu: Gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian gần đây hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa bắt đầu gia tăng và phức tạp hơn nhiều.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong danh sách hàng loạt các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ có nhiều mặt hàng nằm trong diện xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi "Made in Vietnam" hoặc, "xuất xứ Việt Nam".
Ngoài ra, nhiều thương nhân nước ngoài lợi dụng doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh; tạm nhập tái xuất để trung chuyển hàng hóa, sau đó thương nhân nước ngoài làm giả C/O Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.
Gần đây nhất có thể kể tới vụ việc một doanh nghiệp tại TP.HCM nhập tơ tằm Trung Quốc về dán nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu sang Ấn Độ.
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, công ty này đã xin cấp 8 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để xuất khẩu tơ tằm sang Ấn Độ. Tuy nhiên, sản phẩm tơ tằm của doanh nghiệp này lại là hàng thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc về cảng Cát Lái (TP.HCM).
Sau khi hàng cập cảng, doanh nghiệp không đưa về nhà máy sản xuất ở bên ngoài TP.HCM, mà chỉ đưa hàng về kho nằm bên ngoài cảng sau đó tiến hành thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, sang thành sản phẩm 'made in Vietnam' để xuất khẩu đi Ấn Độ.
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan, hành vi này nhằm tránh thuế suất cao bởi tơ tằm từ Trung Quốc xuất sang Ấn Độ phải chịu thuế nhập khẩu 25%, còn từ Việt Nam chỉ có 5%. Công ty trên bị phạt hành chính 60 triệu đồng và nộp 550 triệu đồng số tiền thu lợi bất hợp pháp.
Chia sẻ với vietq.vn, ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Trong đó, vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu.
Thủ đoạn để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát là hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rồi giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ...
Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm rất mạnh việc cảnh báo sớm đến cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, rà soát để cảnh báo đúng mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm có nguy cơ rủi ro gian lận xuất xứ, không cảnh báo tràn lan, tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, qua rà soát hiện chưa có văn bản qui phạm pháp luật qui định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".
Trong khi nhu cầu thể hiện xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa theo thông lệ quốc tế mới rất cấp thiết. Sự hình thành các chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó có thể có nhiều nước cùng tham gia sản xuất một sản phẩm, đã và đang tạo ra những thay đổi trong cách ghi xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa.
Do đó, bên cạnh những cách ghi truyền thống như "Sản phẩm của...", "Sản xuất tại...", đã xuất hiện những cách ghi khác thể hiện chính xác hơn nguồn gốc của sản phẩm như "Lắp ráp tại (quốc gia, vùng lãnh thổ)" hay "Chế tạo bởi tên công ty, tập đoàn"...
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo