Công ty mẹ của Shopee: Chưa bao giờ có lãi, gánh lỗ hàng tỷ USD
Bùng nổ trong bối cảnh đại dịch, nhưng Sea, công ty mẹ của Shopee, vẫn đang chịu khoản lỗ lên tới hàng tỷ USD.
Doanh thu tăng, khoản lỗ cũng tăng
Theo Nikkei, Sea Ltd. - công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee - đã báo cáo khoản lỗ ròng 617 triệu USD trong quý 4 năm 2021, tăng so với 523 triệu USD trong một năm trước.
Năm 2021, công ty đạt doanh thu 9,95 tỷ USD, cao hơn gấp đôi năm 2020; trong khi khoản lỗ ròng tăng lên 2,04 tỷ USD, từ 1,61 tỷ USD. Dự kiến, doanh thu thương mại điện tử của Sea đạt tổng cộng khoảng 9 tỷ USD vào năm 2022, tăng so với 5,1 tỷ USD so với năm 2021.
Thương mại điện tử là một trong những động lực tăng trưởng chính của Sea, nhưng khoản lỗ từ mảng này lên tới 941 triệu USD trong quý IV. Shopee đã phát triển nhanh chóng trong bối cảnh đại dịch, trở thành sàn thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất tại 6 quốc gia mà nó hoạt động.
Sea là nhà cung cấp thương mại điện tử và giải trí kỹ thuật số hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Công ty này chia thành ba mảng kinh doanh internet cốt lõi - giải trí kỹ thuật số, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính. Ba đơn vị lần lượt có tên là Garena, Shopee và SeaMoney.
Sea được sáng lập bởi Forrest Li, một người sinh ra ở Trung Quốc nhưng hiện mang quốc tịch Singapore. Cổ đông lớn nhất của Sea là Tencent Holdings Ltd., “đế chế” mạng xã hội của Trung Quốc.
Sea lên sàn chứng khoán vào năm 2017 và nhanh chóng trở thành doanh nghiệp đại chúng đắt giá nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nhà đầu tư đặt cược vào tiềm năng phát triển của Sea trong các lĩnh vực game, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính tại các thị trường nước ngoài.
Nhiều khó khăn
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Forrest Li cho biết, với nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại trong quý 4 và sang năm nay, ông quan sát thấy sự điều tiết trong các hoạt động trực tuyến và những biến động trong mức độ tương tác của người dùng. Điều này cho thấy, việc cải thiện lợi nhuận vẫn là một thách thức chính đối với công ty khởi nghiệp có tốc độ phát triển nhanh như Sea.
Một khó khăn khác mà Sea gặp phải ở thị trường Ấn Độ. Trong vòng 2 năm qua, Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng Trung Quốc, trong đó có cả Free Fire, một game của Sea. Nhà đầu tư đang lo ngại rằng Ấn Độ còn có thể cấm cả Shopee, trụ cột thứ hai của Sea. Shopee hiện có khoảng 300 nhân viên và 20.000 nhà bán hàng tại Ấn Độ.
Ngày 14/2, ông Li trấn an cổ đông tại cuộc họp cổ đông thường niên rằng công ty kiểm soát được tình hình, nhưng không bình luận gì về lệnh cấm của Ấn Độ đối với Free Fire.
Li thừa nhận, Free Fire không có sẵn trong các kho ứng dụng Google Play và iOS ở Ấn Độ, do "các hành động không lường trước của chính phủ". Trong khi đó, quốc gia mới nổi đông dân này vốn là thị trường cốt lõi cho hoạt động kinh doanh trò chơi của Sea.
Li cho hay, công ty hy vọng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sẽ "đạt được mức EBITDA điều chỉnh tích cực (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao)".
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, Li đã trấn an những lo ngại khi nói rằng công ty có thể sinh lời bất cứ lúc nào bằng cách cắt giảm chi phí marketing.
Yanjun Wang, Giám đốc công ty của Sea, thừa nhận trong một hội nghị rằng, công ty bị tác động từ hoạt động trực tuyến chậm lại, cũng như chịu ảnh hưởng từ các hành động bất ngờ của chính phủ ở Ấn Độ trong dự báo của mình.
"Công ty để mất một phần thành quả đạt được khi đại dịch diễn ra. Sự sụt giảm cũng một phần phản ánh tình hình ở Ấn Độ, nơi Sea đang gặp một số khó khăn", nhà điều hành cấp cao Yanjun Wang của Sea phát biểu.
Công ty cũng phân bổ lại các nguồn lực trong quá trình mở rộng toàn cầu. Sea sẽ đóng cửa hoạt động thương mại điện tử ở Pháp, chỉ năm tháng sau khi ra mắt vào tháng 10. Pháp là một trong những thị trường châu Âu đầu tiên mà họ thâm nhập, cùng với Ba Lan và Tây Ban Nha.
Sea cố gắng củng cố thành công ban đầu của mình tại Brazil, nơi họ bắt đầu kinh doanh mua sắm trực tuyến vào năm 2019. Tuy nhiên, công ty lại phải đối mặt với sự cạnh tranh từ gã khổng lồ thương mại điện tử MercadoLibre của Mỹ Latinh.
Chi nhánh mua sắm trực tuyến của họ, Shopee đã rút khỏi Pháp, một thị trường lớn mà họ tham gia chỉ vài tháng trước đó.
Năm 2021, Shopee từng bị Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đánh giá có mức độ hàng giả được bán rất cao trên tất cả các nền tảng. Shopee bị cáo buộc không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba.
Ngoài ra, các đơn vị có bản quyền cho biết Shopee không có sẵn các quy trình hoặc công cụ nhằm thực hiện các thủ tục thông báo và gỡ xuống, công cụ chống hàng giả cũng như thông tin cần thiết về quyền hỗ trợ khiếu nại hàng giả trên từng nền tảng.
Shopee cũng không có công cụ ngăn chặn những đối tượng này đăng ký một tài khoản khác để tiếp tục bán hàng. Nền tảng này chỉ thực hiện khóa tài khoản của người bán hàng khi họ có những hành động vi phạm nhiều lần và gia tăng theo mức độ leo thang.