Cổ phiếu hàng không 'thăng hoa' sau tin bay nội địa trở lại từ 16/4
Dự kiến 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet sẽ thực hiện bay trở lại đối với tuyến nội địa vào ngày 16/4 .
Cổ phiếu ngành Hàng không HVN, VJC, ACV... tăng trần sau tin bay nội địa trở lại từ 16/4. |
Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet vừa cập nhật trên website và thông báo tới các kênh đại lý của nhiều hãng về lịch triển khai bay nội địa trở lại từ ngày 16/4, là thời điểm kết thúc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ.
Cụ thể, Vietnam Airlines phát thông báo sẽ tăng cường chuyến bay từ 16/4 đến 24/4 từ hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM và một số đường bay ngách.
Vietjet Air sẽ mở lại các tuyến bay nội địa từ ngày 16/4 và hãng này cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trên website, đối với chặng Hà Nội - TPHCM Vietjet Air đã mở bán vé 23 chuyến; chặng TP.HCM - Hà Nội cũng 23 chuyến; chặng Hà Nội - Đà Nẵng 7 chuyến; chặng TP.HCM - Đà Nẵng 9 chuyến.
Bamboo Airways cũng sẽ bay nội địa trở lại từ ngày 16/4, trong đó đặc biệt tăng cường tần suất trên đường bay Hà Nội – TP. HCM lên 7 chuyến khứ hồi/ngày, tiến tới khai thác bình thường trở lại các đường bay kết nối Hà Nội và TP.HCM tới hầu hết các sân bay trên toàn quốc từ ngày 20/4 như các chặng Hà Nội - Cam Ranh/ Đà Nẵng/ Phú Quốc/ Quy Nhơn & TP.HCM – Đà Nẵng/ Hải Phòng/ Thanh Hóa/ Quy Nhơn/ Vinh,…
Cùng với việc công bố bay trở lại từ 16/4 và cập nhật thông tin vé, lịch trình bay mới trên website, các hãng cũng tích cực thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an ninh sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn.
Trước đó, thực hiện các quy định về phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19, 4 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific đã phải dừng các chặng bay quốc tế và cắt giảm phần lớn số đường bay nội địa. Theo đó, 4 hãng bay này chỉ còn khai thác 3 đường bay trong nước là Hà Nội - TP.HCM và ngược lại, Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại, TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại.
Đặc biệt, đối với chặng bay Hà Nội - TP.HCM, cả 4 hãng chỉ còn luân phiên bay 2 chuyến mỗi ngày phân bổ cho 2 hãng khác nhau. Chặng bay đến/ đi Đà Nẵng chỉ duy trì bay 1 chuyến/ngày.
Vietjet mất toàn bộ đường bay đến Đà Nẵng và chỉ được khai thác đường bay Hà Nội – TP.HCM và ngược lại với tần suất 3 ngày 1 chuyến; tương đương 5 chuyến khứ hồi cho cả giai đoạn hạn chế bay. Tần suất khai thác của Vietjet trong giai đoạn này là tương đương với Bamboo Airways và Jetstar Pacific.
Các hãng cũng tích cực thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an ninh sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn. |
Theo số liệu mới từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), mặc dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý 1 do dịch Covid-19 bùng phát, và lệnh hạn chế đi lại, nhưng các hãng hàng không đã có nhiều nỗ lực để duy trì bay, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Các hãng hàng không vẫn đảm bảo tỷ lệ đúng giờ trung bình toàn ngành giai đoạn này đạt 88,2%, trong đó Bamboo Airways dẫn đầu với tỷ lệ đúng giờ đạt 95,4%, VASCO với 93,5%, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific lần lượt chia nhau vị trí thứ 3, 4 và 5 với tỷ lệ đúng giờ lần lượt là 91,4% , 83,3% và 83,2%.
Ngay sau thông tin các hãng hàng không sẽ bay trở lại, các cổ phiếu hàng không đã ghi nhận sự hồi phục tích cực, cụ thể hai cổ phiếu HVN, VJC đồng loạt tăng kịch trần, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không cũng tăng 7,52%. Trong phiên 10/4, cổ phiếu HVN giao dịch ở mức trần 22.050 đồng/CP, khớp lệnh đạt hơn 2,44 triệu đơn vị. Mức giá hiện tại của HVN đã hồi phục tăng được 26% so với giá đáy hôm 24/3/2020.
Còn cổ phiếu VJC tăng kịch trần lên 109.100 đồng/CP, dư bán trống trơn sau khi khớp lệnh gần 300.000 đơn vị và thị giá hồi phục được 17% so với giá đáy.
Trong 8 phiên đầu tháng 4, cổ phiếu ACV đã phục hồi gần 25,4% giá trị so với mức đáy, sau khi rơi rất mạnh do hoạt động bán tháo ồ ạt trong diễn biến tiêu cực của thị trường chung.
Sau khi tăng trần 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu FLC - tập đoàn sở hữu hãng Bamboo Airways đã vượt mức 3.150 đồng/CP và phiên ngày 10/4, lại giảm mạnh về 3.000 đồng/CP. FLC đã tăng 33% so với mức giá đáy xác lập hôm 31/3/2020.
Nhóm cổ phiếu hàng không đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 do sự hạn chế đi lại của người dân, nhu cầu du lịch của khách quốc tế sụt giảm mạnh, đặc biệt là nguồn khách từ các thị trường đang là tâm dịch bệnh trên thế giới. Giá cổ phiếu giảm sâu cũng là mức chiết khấu hợp lý từ nhận định về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị sa sút trong quý 1.
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mới đây đã cho biết tình cảnh khó khăn của các doanh nghiệp ngành hàng không và dịch vụ hỗ trợ cảng hàng không. Cụ thể, HVN là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất với số lỗ dự kiến là 2.382 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020. Không chỉ bị mất toàn bộ các tuyến bay quốc tế, mà ở thị trường trong nước, HVN là hãng có tần suất khai thác lớn nhất trong giai đoạn hạn chế này chỉ có 30/30 chuyến đến Đà Nẵng và 20/30 chuyến chặng Hà Nội – TP.HCM và ngược lại.
Trong mùa dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của ACV cũng bị thiệt hại đáng kể. Tổng doanh thu của ACV trong Quý 1/2020 ước đạt 4.064 tỉ đồng, giảm 832 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận ước đạt 1.857 tỉ đồng, giảm 586 tỉ đồng so với cùng năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỉ đồng, giảm 10.230 tỉ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỉ đồng, giảm 9.335 tỉ đồng so với kế hoạch 2020.
Theo nhận định của các chuyên gia, triển vọng ngành hàng không sẽ phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu đi lại bị dồn nén mạnh sẽ "bung" trở lại sau đó, cùng với nhu cầu tăng thêm trong mùa du lịch hè.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường