Có 7 Bộ và 12 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trên 45%
8 tháng năm 2022, có 7 Bộ và 12 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trên 45%.
Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%)...
Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 8284/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2022.
Theo đó, trong 8 tháng năm 2022, tỷ lệ ước giải ngân đạt 35,49% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 39,15%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (40,60%). Trong số đó, vốn trong nước đạt 40,87% (cùng kỳ năm 2021 đạt 44,71%), vốn nước ngoài đạt 14,02% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,94%).
Bộ Tài chính cho biết, có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%)... Ngoài ra, có 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 Bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Về tình hình thực hiện chế độ báo cáo, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 8/2022 của 18/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 54/63 địa phương. Còn lại 33/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 9/63 địa phương Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09/7/2022 của Chính phủ về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; rà soát đề xuất kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt (bao gồm việc điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng, đường ven biển).
Đồng thời thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn nước ngoài theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại công văn số 5146/VPCP-QHQT ngày 12/8/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 727/TTg-KTTH phân công Tổ công tác kiểm tra đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. Đề nghị Bộ, các địa phương tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế để báo cáo Tổ công tác. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiêm túc chấp hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công theo Thông tư số 15/2021/TT-BTC, trong đó đảm bảo nội dung về thời gian thực hiện, biểu mẫu báo cáo.
Mai Phương