Chuyện ở EVN: Thủ tướng ra chỉ đạo thúc tiến độ loạt dự án đóng băng
Trước thực trạng hàng loạt dự án điện truyền thống đang bị chậm tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ đạo.
Gần đây trên báo chí có phản ánh các dự án điện mặt trời và điện gió được bổ sung dồn dập vào quy hoạch điện và đẩy nhanh tiến độ về đích để hưởng giá cao, nhiều dự án nguồn điện truyền thống đang bị chậm tiến độ, một số dự án còn chưa xác định được tiến độ hoàn thành khiến nhiều người lo ngại.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chỉ đạo thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn điện truyền thống.
Thực tế, trong giai đoạn 2016-2030, EVN được giao đầu tư 25 dự án nguồn điện, với tổng công suất 17.068 MW (đã cập nhật công suất theo thực tế thực hiện). Đối với giai đoạn 2016-2020, theo Kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 219/QĐ-TTg ngày 13/12/2018, EVN hoàn thành 12 dự án, với tổng công suất 6.100 MW.
Cùng với đó, hàng loạt dự án điện khác được EVN dự tính đầu tư vẫn chưa nhìn thấy ngày về đích. Đơn cử như dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, với nguồn khí đầu vào từ Lô B hay Trung tâm Điện lực Dung Quất, với nguồn khí đầu vào từ mỏ Cá Voi Xanh. Những dự án mở rộng trên nền các nhà máy thủy điện sẵn có như Hòa Bình, Yaly cũng khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục phê duyệt đầu tư, không thể đẩy nhanh tiến độ.
Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 6 dự án nguồn điện được giao có quy mô 6.600 MW đều chậm tiến độ từ 1-2 năm, một số dự án còn “chưa xác định tiến độ hoàn thành”. Trong 4 dự án giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đầu tư có công suất gần 3.000 MW, thì tới 3 dự án “chưa xác định tiến độ đầu tư” và một dự án “chậm 4 năm”.
Nhiều dự án đang bị chậm tiến độ. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực cũng cho biết, hiện ngành Điện lực Việt Nam có rất nhiều dự án lưới điện chậm tiến độ do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến đối tác quốc tế giao hàng chậm so với quy định của hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị và các gói thầu yêu cầu phải có chuyên gia của hãng sản xuất nước ngoài giám sát lắp đặt tại công trường.
Cụ thể, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) có 21 dự án bị ảnh hưởng. Trong đó, 12 dự án đường dây, trạm biến áp 220 kV - 500 kV và 9 dự án cải tạo trạm biến áp. Theo kế hoạch, có 3 dự án dự kiến đóng điện trong quý 1/2020, 6 dự án đóng điện trong quý 2/2020 và 2 dự án đóng điện trong quý 3/2020, nhưng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên phải lùi thời gian hoàn thành.
Còn đối với các dự án có kế hoạch đóng điện trong quý 4/2020 và năm 2021 có 2 dự án phải hoàn thành, hiện EVNNPT đang theo sát diễn biến của tình hình Covid-19 để chỉ đạo kịp thời các dự án này, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đóng điện đã đề ra.
Ngoài ra, một số dự án trọng điểm như đường dây 500 kV (mạch 3) đã được EVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dãn tiến độ hoàn thành vào tháng 12/2020 thay vì tháng 6/2020, do một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị (VTTB) nhập khẩu được đánh giá có rủi ro cấp hàng chậm tiến độ.
Về các dự án lưới điện phân phối, Tổng công ty Điện lực Hà Nội có 7 dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV bị ảnh hưởng do có các gói thầu VTTB nhập khẩu.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm