0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 31/12/2021 22:04 (GMT+7)

Chuyển đổi số ngành NN&PTNT: Cần có lộ trình cụ thể, thống nhất

Con tàu chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bắt đầu “lăn bánh” và đã có được những kết quả khởi động bước đầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các địa phương vẫn đang còn “mơ hồ” trong việc triển khai thực hiện.

Con tàu chuyển đổi số đã “lăn bánh”

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã chọn Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm trong chuyển đổi số.

Trên cơ sở này, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số đối với ngành NN&PTNT theo 3 trụ cột: Bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Bộ đã lấy ngày 19/8 hàng năm là Ngày chuyển đổi số trong Nông nghiệp.

Thực tế, không thể phủ nhận vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển của ngành NN&PTNT trong giai đoạn hiện nay. Điều này có thể điểm qua trên một số lĩnh vực như Lâm nghiệp, hiện, được nhà nước giao khoảng 16,2 triệu ha diện tích, trong đó có 7,1 triệu lô rừng.

Toàn ngành có 1,4 triệu hộ gia đình là các chủ rừng; 326 ban quản lý rừng phòng hộ, 167 ban quản lý rừng đặc dụng. Khi nói về chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiện có 250 nghìn hộ gia đình hưởng lợi trên diện tích 6,5 triệu ha, đồng thời có thêm 1.900 các tổ chức nhà nước là chủ rừng được hưởng lợi.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

“Vậy việc chi trả và giám sát hiệu quả chi trả dịch vụ này như thế nào? Nếu thiếu công nghệ số thì chúng ta thấy hoàn toàn khó khăn, vì địa bàn rộng, vùng sâu vùng xa, vùng cao và với rất nhiều các biến số khác nhau” – ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ.

Hoặc như vấn đề khai thác sẽ làm giảm diện tích rừng dẫn đến hàng quý, hàng năm sẽ có sự thay đổi về độ che phủ rừng; hay với việc trồng rừng, đến một lúc nào đó sẽ được xem thành rừng để tính độ che phủ, đến các vấn đề về chống chặt trộm rừng, truy xuất nguồn gốc gỗ,... là những bài toán lớn rất cần được “bàn tay” của công nghệ số tham gia giải quyết.

Tương tự, trên lĩnh vực Thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, toàn ngành rất mong muốn được chuyển đổi số càng sớm càng tốt bởi thủy sản là một trong những ngành tham gia xuất khẩu sâu rộng, các sản phẩm ngày càng phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ.

Nhận thức được vai trò của chuyển đổi số, trong thời gian qua, ngành NN&PTNT đã từng bước khởi động, triển khai thực hiện ở nhiều lĩnh vực của ngành như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp,... và đạt được những kết quả bước đầu.

Đáng chú ý, trên lĩnh vực kinh tế hợp tác, hiện nay đã có khoảng 1.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Trong số đó, đã có nhiều hợp tác xã ứng dụng tốt công nghệ, mang lại hiệu quả cao.

 Đồng thời, với Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn đã triển khai nhiều các hoạt động về chuyển đổi số. Cụ thể như: Phối hợp với một số công ty để triển khai ứng dụng công nghệ số cho các hợp tác xã; triển khai các hoạt động về nhật ký điện tử, quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh hoặc camera giám sát đồng ruộng và đặc biệt là triển khai sàn giao dịch điện tử. Cho đến nay, đã có khoảng 600 hợp tác xã đã tham gia sàn giao dịch điện tử và xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới.

Tại các địa phương, đã có những manh nha bước đầu và đạt được những kết quả nhất định trong chuyển đổi số. Theo chia sẻ của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, vừa qua, địa phương đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cây ăn quả với cam và bưởi, với vụ sản xuất ngay năm nay đã thu được những kết quả rõ nét. Đó là đã truy xuất được nguồn gốc và đưa được một số sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Trên cơ sở đó, năm 2021, mặc dù trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh nhưng sản lượng cam, bưởi của tỉnh “hết mùa là hết sản lượng”, mặc dù giá bán có dao động nhưng được thị trường tiêu thụ, không có ứ dọng như những vụ các năm trước.

Để không còn sự “mơ hồ”

Thực tế, chính sự “mơ hồ”, chưa biết triển khai ra sao, nên bắt đầu từ đâu, triển khai ở cấp độ nào đã phần nào dẫn đến tâm lý còn e dè của các địa phương khi triển khai chuyển đổi số. Trong khi đó, đây là vấn đề cấp bách trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nếu không thực hiện sớm sẽ bị muộn.

Chính vì vậy, để các địa phương triển khai thực hiện tốt việc chuyển đổi số, hơn hết, rất cần vai trò “nhạc trưởng” điều phối của Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ cần sớm ban hành Đề án chuyển đổi số NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, nếu để triển khai tất cả các công việc chuyển đổi số của ngành NN&PTNT trong cùng một lúc sẽ là điều không thể, do đó, cần phải có một lộ trình để làm dần từng bước, phải chọn những vấn đề ưu tiên.

Từ đây, Bộ định hướng cho địa phương những vấn đề cần ưu tiên làm trước để triển khai đồng bộ trong toàn quốc. Trong đó, với nhiệm vụ nào cần làm đến cấp xã sẽ tập trung làm đến cấp xã; nhiệm vụ nào làm đến cấp tỉnh sẽ làm đến cấp tỉnh và nhiệm vụ nào cần làm đến cấp huyện sẽ tập trung làm đến cấp huyện và phải thống nhất trong cả nước. Đồng thời, cần có định hướng trong việc sử dụng các phần mềm ứng dụng trong thực hiện chuyển đổi số.

Một số ý kiến của các địa phương đề xuất, để triển khai một cách khả thi, thiết thực, hiệu quả và bền vững, nên có sự lựa chọn địa phương để triển khai trước nhưng vẫn phải có sự thống nhất trong chỉ đạo của Bộ. Đồng thời, Bộ cần có sự chỉ đạo các tỉnh để thống nhất cách điều hành, triển khai để khi các tỉnh làm xong sẽ kết nối chung được với Bộ.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số của ngành cần được thực hiện đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương và giữa các địa phương với nhau. Tuy nhiên, hiện nay có địa phương đã có kết quả tốt nhưng cũng có địa phương mới chỉ ở mức khởi động. Do đó, để chia sẻ được các kết quả thực hiện của địa phương, việc đưa các thông tin này lên Web của Bộ để các địa phương cập nhật, để từ đó có sự trao đổi giữa các địa phương với nhau để tham khảo, học tập cũng là giải pháp cần được quan tâm.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng cần có các hướng dẫn cụ thể về những lĩnh vực liên quan như: quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản,... mang tính chất chuyển đổi số để các địa phương đưa các thông tin này về đến với người nông dân và có cở sở để hướng dẫn cho các địa phương trong tỉnh.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ, không phải dễ dàng để triển khai được trong “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, việc định hình các bước đi cần thiết về các vấn đề lựa chọn ưu tiên, lộ trình thực hiện và cách thức triển khai là những “xương sống” không thể thiếu để định hướng cho toàn ngành NN&PTNT và các địa phương triển khai, để chuyển đổi số thành công, góp phần quan trọng trong xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tập trung hàng hóa và giá trị cao.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số ngành NN&PTNT: Cần có lộ trình cụ thể, thống nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023