Chứng khoán tuần qua: Nhóm cổ phiếu 'họ Louis' giảm sàn, cổ phiếu 'họ FLC' dậy sóng
Nhiều cổ phiếu "họ Louis" giảm sàn trắng bên mua; Cổ phiếu “họ FLC” dậy sóng; nhiều cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh; Thao túng, làm giá chứng khoán luôn trong "tầm ngắm"… là những tin tức về thị trường chứng khoán đáng chú ý trong tuần qua.
Nhiều cổ phiếu "họ Louis" giảm sàn, trắng bên mua
Sau giai đoạn bứt phá ngoạn mục với chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, nhóm cổ phiếu "họ Louis", bao gồm TGG, AGM, BII, APG, SMT, VKC, DDV, TDH đã có dấu hiệu chốt lời mạnh và hầu hết đã có những phiên giảm sàn "trắng bên mua" trong tuần giao dịch 20-24/9.
So với mức giá cách đây vài tháng, các cổ phiếu "họ Louis" vẫn tăng bằng lần và đem lại lợi nhuận không nhỏ cho những nhà đầu tư vào sớm. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư mới mua nhóm cổ phiếu này thì chắc hẳn là trải nghiệm không mấy dễ chịu khi danh mục đã "bốc hơi" kha khá chỉ sau vài phiên giao dịch.
Tính riêng tuần qua, BII là cổ phiếu giảm sâu nhất trong "họ Louis" với mức giảm gần 22%, xếp tiếp theo là SMT (-18,5%), APG (-13,9%), DDV (-12%), AGM (-9,5%).
Ngược lại, một số cổ phiếu như TGG, VKC, TDH vẫn tăng so với tuần trước, nhưng trong phiên cuối tuần 24/9, các cổ phiếu này đều giảm sàn "trắng bên mua" với dư bán lên tới cả triệu cổ phiếu.
Việc các cổ phiếu "nhóm Louis" tăng nóng, giảm sốc thời gian qua khiến thị trường đặt nhiều nghi ngờ có dấu hiệu thao túng, khi mà phần lớn các cổ phiếu trong nhóm này cách đây chưa lâu đều có mức giá "trà đá", hoạt động kinh doanh bết bát nhưng bỗng dưng tăng hàng chục lần. Theo nhiều nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, rất khó để hoạt động kinh doanh một doanh nghiệp có thể lột xác, "vịt hóa thiên nga" chỉ trong thời gian ngắn như vậy và giá cổ phiếu đang thể hiện một cách quá đà.
Đáp lại những ý kiến từ thị trường, cách đây ít ngày, Louis Capital (TGG) đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định không thực hiện bất kỳ hành vi nào để tác động về giá cổ phiếu cũng như thao túng thị trường chứng khoán.
Văn bản của Louis Capital cũng nêu, những hành vi đăng tải thông tin không xác định đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của công ty. Vì vậy, Louis Capital đề nghị UBCKNN kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với các chủ thể có hành vi đăng tin sai lệch và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cổ phiếu “họ FLC” dậy sóng
Trong phiên giao dịch chiều ngày 22/9, lực cầu bất ngờ tăng cao ở nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn đã giúp nới rộng sắc xanh của các chỉ số. Tiêu biểu nhất là cổ phiếu “họ FLC” khi hàng loạt mã tăng trần và dư mua hàng triệu đơn vị như FLC, AMD, ROS, HAI, KLF, ART. Đặc biệt, cổ phiếu FLC tăng trần lên 11.800 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên tới 38.195.700 đơn vị và dư mua đến 32.254.700 đơn vị.
Theo thông tin mới đây, hãng hàng không Bamboo Airways đã chính thức mở bán vé các đường bay tới Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc với tần suất 1 chuyến/tuần với mỗi đường bay ngay trong tháng 9.
Hãng hàng không này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để đáp ứng việc bay ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, bao gồm việc triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ nhân viên hãng và áp dụng bộ quy trình phòng chống COVID-19 được đánh giá tuyệt đối 7/7 sao.
Đặc biệt hơn, Bamboo Airways đã cơ bản hoàn tất các bước chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ kết nối Việt Nam và Mỹ từ cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Ngoài ra, Bamboo Airways cũng đang hợp tác với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) để đưa vào thử nghiệm hộ chiếu vaccine IATA Travel Pass từ quý IV, phục vụ cho kế hoạch mở lại mạng bay quốc tế nói chung và đường bay thẳng Mỹ nói riêng được thuận lợi và an toàn.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh tuần qua
Loạt cổ phiếu phục hồi mạnh trong tuần này, trong đó KLB dẫn đầu về mức tăng. Cổ phiếu này đã tăng 10,5% trong tuần, đóng cửa ngày 24/9 ở mức giá 24.300 đồng/cp. KLB tăng mạnh sau khi ngân hàng công bố thông tin ông Đỗ Anh Tuấn – chủ tịch Sunshine Group được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc ngân hàng. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Tuấn đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu KLB để tăng lượng sở hữu lên gần 16 triệu đơn vị, tương đương hơn 4,9% vốn cổ phần ngân hàng.
Tiếp theo là BVB, tăng 8,4% lên 22.000 đồng/cp; OCB tăng 7,9% lên 24.650 đồng/cp; VIB tăg 6,8% lê 38.450 đồng/cp,…
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu giảm giá như EIB giảm 7,5%, PGB giảm 3,2%, NVB giảm 2%,… trong tuần qua.
Các cổ phiếu lớn hầu như biến động nhẹ: VCB tăng 2,4%, TCB tăng 1,7%, CTG giảm 0,3% và BID giảm 0,8%,…
Gần 660 triệu cổ phiếu ngân hàng đã được trao tay giữa các nhà đầu tư trong tuần qua, tăng khoảng 29% so với tuần trước.
Trong đó, SHB dẫn đầu về thanh khoản với hơn 77,2 triệu đơn vị được giao dịch trong tuần. Tiếp theo là STB, MBB, VPB, TPB.
MBB tiếp tục được khối ngoại gom mạnh trong tuần qua với hơn 20 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Trong đó, riêng phiên cuối tuâng 24/9, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 11 triệu cổ phiếu MBB.
Thao túng, làm giá chứng khoán luôn trong "tầm ngắm"
Trao đổi với báo giới, đại diện lãnh đạo UBCKNN cho biết, căn cứ kết quả giám sát thường xuyên và các thông tin phản ánh từ báo chí, dư luận về các hiện tượng có dấu hiệu đáng nghi ngại trên mạng xã hội, cũng như diễn biến một số cổ phiếu liên quan, các đơn vị giám sát, thanh tra của UBCKNN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu, nắm bắt và thu thập thông tin về các vấn đề nêu trên. Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 khiến giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng tới việc triển khai các kế hoạch thanh kiểm tra, giám sát, chương trình phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan.
"Mặc dù dịch bệnh có ảnh hưởng, tuy nhiên, công tác giám sát, xử lý vi phạm vẫn được tiến hành thường xuyên, liên tục, hoạt động thanh kiểm tra được điều chỉnh linh hoạt hơn phù hợp với điều kiện thực tế. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các tỉnh, thành nới giãn cách, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh việc triển khai thanh kiểm tra trực tiếp, đồng thời đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Qua giám sát, thanh kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, thậm chí chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu hình sự", đại diện UBCKNN cho biết.
Hiện tại, các cổ phiếu có diễn biến bất thường thời gian gần đây được nhiều cơ quan phối hợp giám sát rất chặt chẽ. "Sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, các trường hợp có dấu hiệu thao túng, làm giá cổ phiếu sẽ được chú trọng và xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, kỷ cương cho thị trường", lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh.
Trong 8 tháng đầu năm, UBCKNN đã triển khai 7 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch của nhà đầu tư. Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên và thanh kiểm tra, UBCKNN đã ban hành tổng cộng 252 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 9,6 tỷ đồng. Ngày càng nhiều vụ việc thao túng, làm giá chứng khoán được phát hiện, xử phạt nặng, thậm chí bị xử lý hình sự.
Dự báo nhóm ngành liên quan đầu tư công sẽ tăng trưởng mạnh
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, trong quý 4 có một số nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm. Thứ nhất, các nhóm ngành liên quan trực tiếp tới đầu tư công: Đó là những doanh nghiệp xây lắp hạ tầng, nhóm ngành liên quan tới vật liệu xây dựng, ví dụ như đá, sắt, thép, nhựa đường, xi măng và xa hơn nữa là một số các doanh nghiệp ngành bất động sản có thể được hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công này.
Thứ hai là nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp. Mặc dù tháng 7, tháng 8, Việt Nam chịu tác động khá mạnh của đại dịch. Tuy nhiên, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam trong dài hạn, vì vậy họ vẫn tiếp tục rót vốn.
Nhóm ngành liên quan tới bán lẻ và hàng tiêu dùng sau một thời gian bị ảnh hưởng sẽ có sự bứt phá. Đặc biệt là các ngành liên quan tới hàng hóa xa xỉ, hàng hóa lâu bền, ví dụ như xe máy, ô tô, điện tử, vàng bạc nữ trang.
Tiếp đến là ngành chứng khoán vẫn được dự báo sẽ có sự tăng trưởng tích cực vào trong quý 4. Các doanh nghiệp chứng khoán vừa qua đồng loạt tăng vốn, giúp cho các công ty có thêm nguồn vốn hỗ trợ cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho nhà đầu tư. Cùng với thanh khoản thị trường dự báo có sự gia tăng cũng đem lại nguồn lợi cho các doanh nghiệp trong khối này.
Nhóm ngành cuối cùng là nhóm ngành ngân hàng, khi các doanh nghiệp là các khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giúp giảm áp lực dự phòng rủi ro. Đồng thời nhiều cổ phiếu của các ngân hàng trong thời gian qua đã giảm tương đối, do đó ngành ngân hàng sẽ được quan tâm trở lại trong quý 4.