Chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ cấp bách
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để khẳng định uy tín của nghề cá Việt Nam.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có biển thực hiện ráo riết việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để khẳng định uy tín của nghề cá Việt Nam đối với thị trường thế giới nói chung và các quốc gia có chung lãnh hải với nước ta nói riêng, hướng đến sự phát triển bền vững giữa con người với hệ sinh thái biển… toàn bộ ngư dân Việt Nam, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều đang đồng lòng và quyết tâm thực hiện tốt các tiêu chí do Ủy ban châu Âu đề ra.
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã ban hành hàng loạt các văn bản, chỉ thị, công điện, quyết định để chỉ đạo các bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp. Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 14 quyết định, 40 văn bản chỉ đạo đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế.
Việt Nam đã công khai minh bạch kết quả kiểm tra chấn chỉnh, kiểm soát hàng thủy sản xuất sang EU và đã xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý là căn cứ để triển khai các nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, bao gồm Luật Thủy sản năm 2017; hai Nghị định của Chính phủ; một quyết định của Thủ tướng Chính phủ và một thông tư của bộ. Việt Nam đã gia nhập và thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc.
EC đã đánh giá cao quyết tâm nỗ lực chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết các kiến nghị của EC. Bên cạnh đó, EC cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phân luồng phân tuyến, tăng cường quản lý cường lực khai thác.
Sau 2 năm EC cảnh báo thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và gần 372 triệu USD trong năm 2019 (giảm 5% so với năm 2018).
So với năm 2017, xuất khẩu hải sản sang EU năm 2019 giảm 10,3%, trong đó giảm sâu nhất là mực, bạch tuộc (-37%). Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, thị trường EU đã xuống vị trí thứ 5 và tỷ trọng thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%. Thẻ vàng đã tác động xấu và trực tiếp tới xuất khẩu hải sản. Nhiều khách hàng truyền thống của thủy sản Việt Nam tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định chống khai thác IUU của EC nên giảm hoặc ngừng nhập khẩu hải sản của Việt Nam.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm