Chi tiết phương án xử lý lô trái phiếu gần 300 triệu USD của Novaland
Trái chủ quốc tế mới đây đã đồng ý cho Tập đoàn Novaland xử lý lô trái phiếu gần 300 triệu USD.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland, HoSE: NVL) vừa có văn bản thông báo đến Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) về việc đàm phán với các trái chủ đối với lô trái phiếu quốc tế trị giá 298,6 triệu USD.
Đây là lô trái phiếu được phát hành năm 2021 cho các nhà đầu tư quốc tế do Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore tư vấn và Bank of New York Mellon, chi nhánh London, làm đại lý ủy thác. Lô trái phiếu này được phát hành nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và các hoạt động khác của nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Novaland.
Lô trái phiếu có lãi suất 5,25%/năm, không có tài sản đảm bảo, và sẽ đáo hạn vào năm 2026.
Tập đoàn Novaland cho biết đã đạt được thỏa thuận với các trái chủ nắm giữ khoảng 74,5% tổng giá trị tiền gốc đang lưu hành. Cụ thể, đối với các khoản lãi phát sinh trước ngày 31/12/2024, các trái chủ đồng ý cho Tập đoàn Novaland thanh toán chậm. Thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu vào năm 2026 hoặc đợt mua lại trước hạn trong tương lai.
Trong đó, giá trị mua lại sẽ được tính bằng 115% số tiền gốc ban đầu (sau khi đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng với lãi trả chậm và lãi phát sinh. Lãi trả chậm sẽ được tính với mức lãi suất 5,25%/một năm.
Nhóm trái chủ trên cũng cam kết không yêu cầu thanh toán ngay lãi và gốc trong thời gian tới. Đồng thời, họ sẽ không bán, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ trái phiếu cho bên thứ ba, trừ khi bên mua cũng đồng ý với thỏa thuận mới, Tập đoàn Novaland cho biết.
Đáng chú ý, các trái chủ cũng đồng ý với phương án có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL trong thời gian tới với mức giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng/cổ phiếu.
Mức giá này thấp hơn đáng kể so với mức 135.700 đồng/cổ phiếu được Tập đoàn Novaland; tuy nhiên, vẫn cao hơn nhiều so với mức thị giá 16.900 đồng hiện nay của cổ phiếu NVL (kết thúc ngày 15/12).
Nếu chọn chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu, các trái chủ sẽ có 3 lần thực hiện (6 tháng, 18 tháng hoặc 30 tháng sau ngày hiệu lực sửa đổi) với mức giá giảm dần. Tập đoàn Novaland cũng đặt ra lịch trình chuyển đổi thành cổ phiếu với 4 đợt, tương ứng 30%, 40%, 20% và 10% thay vì chuyển đổi toàn bộ trong 1 lần.
Hiện ngày hiệu lực của thỏa thuận mới vẫn chưa được xác định vì cần có sự phê duyệt của cổ đông, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phê chuẩn từ tòa án có liên quan tại Singapore.
Tập đoàn Novaland cho biết việc tái cơ cấu các điều khoản của lô trái phiếu trên sẽ giúp giảm áp lực cho tập đoàn này trong bối cảnh khó khăn chung và các vướng mắc pháp lý gây ra nhiều thách thức; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn ổn định, sớm phục hồi và tối đa hóa giá trị cho các bên liên quan.
Trước đó, vào ngày 25/9, Ad Hoc Group, là một nhóm gồm các trái chủ nắm giữ khoảng 75% tổng giá trị phát hành chuyển đổi quốc tế này, đã bày tỏ quan ngại về việc chậm thanh toán trên phương tiện truyền thông và yêu cầu Novaland tăng tốc đàm phán để đạt được thỏa thuận đồng thuận.
Tập đoàn Novaland đang lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán tổng cộng 1,3 tỷ cổ phiếu NVL thông qua việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (1,1 tỷ cổ phiếu) và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (200 triệu cổ phiếu).
Nếu thành công, Tập đoàn Novaland có thể thu về thấp nhất hơn 13.700 tỷ đồng qua hai đợt phát hành trên. Toàn bộ số tiền này sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ; thanh toán chi phí lương; thanh toán chi phí vận hành chung; thực hiện các dự án của Tập đoàn Novaland và công ty con.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Novaland cũng trình cổ đông xem xét thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và thỏa thuận khung bồi hoàn nhằm xác lập nguyên tắc bồi hoàn khi sử dụng tài sản là bất động sản, cổ phiếu, vốn góp tại doanh nghiệp khác và các tài sản khác để bảo đảm cho nghĩa vụ của Tập đoàn Novaland.
Huỳnh Anh