Ông Nguyễn Hoàng Linh được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc MSB
Chi phí hoạt động tại MSB đạt gần 2.259 tỷ đồng trong khi lãi sau thuế đạt 1.328 tỷ đồng.
Tính đến ngày 27/10, đã có khoảng 18 ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020. Bức tranh lợi nhuận ngân hàng đang dần rõ nét, xuất hiện nhiều cái tên đạt lợi nhuận ấn tượng như LienVietPostBank, MSB... Bên cạnh đó, vẫn có những nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm đáng kể so với cùng kì năm trước.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2020 đa phần các ngân hàng đều tồn tại một vấn đề đó là tốc độ tăng chi phí đang cao hơn hoặc gần bằng so với tốc độ tăng trưởng hoạt động. Vì vậy, cần phải xem lại tính hiệu quả trong kinh doanh của không ít ngân hàng.
Tại ngân hàng LienVietPosBank, trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế tại LienVietPostBank đạt hơn 1.741 tỷ đồng và hơn 1.395 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đã vượt kế hoạch so với chỉ tiêu 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động của LienVietPostBank còn tăng nhiều hơn, đạt hơn 3.136 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2019.
Thuyết minh BCTC của LienVietPostBank cho biết, phần chi lớn nhất là chi phí cho nhân với hơn 1.419 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 đạt 1.201 tỷ đồng. Cùng với đó, các khoản chi cho hoạt động quản lý công vụ trong 9 tháng qua cũng tăng vọt 147% so với cùng kỳ, lên mức gần 931 tỷ đồng; khấu hao tài sản cố định, chi nộp phí bảo hiểm,… cũng tăng.
Cũng có diễn biến tương tự, BCTC hợp nhất quý 3/2020 của MSB cho biết, lợi nhuận trước và sau thuế của MSB 9 tháng đầu năm tăng đến 57% và 53% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.666 tỷ đồng và gần 1.328 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động lại đạt gần 2.259 tỷ đồng, tăng vọt 35% so với cùng kỳ.
Theo thuyết minh BCTC của MSB cho thấy, chi phí cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm 2020 là phần chi lớn nhất với hơn 1.260 tỷ đồng, cùng kỳ 2019 gần 1.072 tỷ đồng. Trong đó, khoản chi đóng góp theo lương tăng vọt 89% lên mức hơn 102 tỷ đồng
Hay tại MBBank, 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế ngân hàng tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ, đạt gần 6.596 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng 10%, lên mức 7.321 tỷ đồng.
Thuyết minh BCTC của MBBank cho biết, chi phí cho hoạt động quản lý công vụ tăng lên 1.435 tỷ đồng, chi về tài sản tăng lên 1.057 tỷ đồng, chi cho nhân viên tăng lên 4.638 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ nhưng chi phí hoạt động lại tăng đáng kể.
Tại Sacombank, 9 tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.845 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, chi phí hoạt động đạt gần 7.076 tỷ đồng, tăng 6% so với năm cùng kỳ.
Thuyết minh BCTC của Sacombankcho biết, phần chi lớn nhất là chi phí cho nhân viên bao gồm chi lương và phụ cấp, khoản chi đóng góp theo lương, trợ cấp thôi việc, mất việc là hơn 4.044 tỷ đồng (năm 2019 ở mức 3.942 tỷ đồng), các khoản chi về tài sản, chi phí nộp bảo hiểm, bảo toàn tiền gửi của khách hàng cũng có diễn biến tăng.
Tương tự tại VietBank, 9 tháng đầu năm ghi nhận lãi trước và sau thuế giảm 13% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 374 tỷ đồng và 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động lại tăng 17% so với cùng kỳ, lên mức 832 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê, tổng số nhân viên chính thức của Ngân hàng tính đến ngày 30/9/2020 là 2.505 người.
Đối với ngân hàng này, phần chi phí lớn nhất là chi về tài sản với hơn 233,8 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Tiếp đến là hoạt động quản lý công vụ với hơn 147 tỷ đồng, tăng 17%. Trong khi các khoản chi phí cho nhân viên, chi phí nộp bảo hiểm, bảo toàn tiền gửi của khách hàng,… cũng có diễn biến tăng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, mức tăng chi phí hoạt động phải phù hợp với sự tăng trưởng các hoạt động của ngân hàng, bao gồm chủ yếu là hoạt động tín dụng, huy động, đầu tư và dịch vụ.
Tính bình quân, tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động nên tương đương với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, huy động, tài sản đầu tư và thu nhập từ dịch vụ. Điều này có nghĩa là tại một ngân hàng, nếu chi phí hoạt động cao hơn nhiều so với sự tăng trưởng của các tài sản sinh lời và tài sản nợ, thì ngân hàng đó hoạt động không hiệu quả, có thể dẫn đến sự sụt giảm ROA, ROE và ngược lại.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo