Chặn đứng vụ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ
Mới đây, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện nhiều lô hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam tìm cách xuất đi Mỹ. Vì vậy lực lượng chức năng đang kiểm soát chặt hình thức gian lận này.
Theo Bản kế hoạch triển khai công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá trên địa bàn TP.HCM năm 2020 vừa được ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.HCM (BCĐ 389) - vừa ký ban hành, các sở ngành, lực lượng chức năng được yêu cầu tăng cường, công tác kiểm tra giám sát địa bàn phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Vụ việc mới nhất là Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện là 3 container bọc nệm, gồm 4.036 bao nệm xuất xứ Trung Quốc nhưng nhãn mác lại hiển thị “Made in Vietnam” do Công ty TNHH Super Foam (địa chỉ tại xã Phú Chánh, Tân Uyên, Bình Dương) đứng tên nhập khẩu. Trên sản phẩm hàng nhập khẩu này ghi rõ nhà nhập khẩu là doanh nghiệp có địa chỉ tại California, Hoa Kỳ.
Những sự việc này không chỉ đẩy nhiều DN nội địa chân chính trước bờ vực phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu.
Chẳng hạn, năm 2009, Mỹ khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với túi PE xuất khẩu từ Việt Nam. Kết thúc điều tra, túi PE của Việt Nam bị Mỹ áp thuế CBPG ở mức 52,3 - 76,1%, và bị chồng thêm thuế chống trợ cấp từ 5,2 - 52,5% và duy trì cho đến nay, dù trước đó mặt hàng này của Việt Nam có thuế suất nhập khẩu vào Mỹ rất thấp. Tương tự, tháng 3/2018, Mỹ tiếp tục khởi kiện chống bán phá giá với sản phẩm bao dệt PP được xuất khẩu từ Việt Nam.
Việc áp thuế trừng phạt này đã ảnh hưởng lớn đến ngành nhựa, bởi đây là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ, từng chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa. Đáng chú ý, trong cả hai vụ kiện nêu trên, sản phẩm bị kiện của Việt Nam đều có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ.
Để tránh tái diễn những vụ việc tương tự, Bản kế hoạch của BCĐ 389 giao nhiệm vụ cho từng cơ quan chuyên môn:
- Cục Hải quan thành phố tăng cường kiểm tra chặt chẽ khai báo mã HS cho mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai sai mã HS của nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu tại các đơn vị cấp chứng nhận xuất xứ...
- Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường nội địa. Khu vực tập kết hàng hoá các chợ đầu mối, tuyến đường từ khu vực biên giới Tây Nam về thành phố và các tỉnh lân cận, từ các khu kinh tế cửa khẩu vào nội địa, đường hàng không, đường biển...
- Cục Thuế TP.HCM cũng được giao nhiệm vụ phát hiện các tổ chức cá nhân sử dụng hoá đơn có dấu hiệu bất thường. Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để hợp thức hoá cho nguyên vật liệu, hàng hoá mua vào có giá trị lớn từ 100 triệu đồng trở lên. Chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để xác minh, xử lý….
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo quản lí chặt chẽ. Không để các đối tượng lợi dụng hoá đơn quay vòng để hợp thức hoá các loại hàng hoá nhập lậu. Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp làm căn cứ xác định nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào trong nước để giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam...
Sở Công Thương chủ trì tăng cường quản lí giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử, các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo