CCCD gắn chip chờ mãi chưa nhận được, người dân có làm lại được không?
Rất nhiều người làm căn cước công dân (CCCD) từ lâu nhưng vẫn chưa nhận được. Họ thắc mắc có thể đi làm lại lần nữa hay không?
Theo thông tin cho thấy, hiện nay nhiều người dân sau một thời gian chờ đợi khá lâu nhưng vẫn chưa nhận được CCCD gắn chip bởi nhiều lý do khác nhau. Vậy những trường hợp này có được tiến hành làm thủ tục cấp CCCD mới hay không?
Quy định thời gian trả thẻ khi làm CCCD gắn chip
Theo quy định tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014, cơ quan quản lý CCCD gắn chip phải cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD gắn chip cho công dân trong thời hạn sau đây:
- Tại thành phố, thị xã:
Không quá 07 ngày làm việc nếu cấp mới và đổi;
Không quá 15 ngày làm việc nếu cấp lại.
- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
- Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
Lưu ý: Thời gian trả thẻ CCCD gắn chip có thể kéo dài hơn so với Luật quy định vì hiện tại số lượng người yêu cầu cấp thẻ CCCD gắn chip quá lớn dẫn đến cơ quan thẩm quyền quá tải và nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan khác.
Có làm lại được không khi vẫn chưa nhận được CCCD gắn chip?
Nếu thời hạn trả thẻ CCCD gắn chip đã qua khá lâu mà vẫn chưa nhận được thẻ, người dân có thể gọi đến Tổng đài 1900 0368 và nhấn phím 4 để nghe thông tin tình trạng làm thẻ hoặc liên hệ với cơ quan Công an quận/huyện nơi làm CCCD.
Nếu có nhu cầu, người dân vẫn có thể tiến hành thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip mới bởi pháp luật có quy định rõ về quyền yêu cầu cấp thẻ của công dân tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014.
Thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp sau đây:
- Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014;
-Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD;
- Khi công dân có yêu cầu.
Thẻ CCCD được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
- Xác định lại giới tính, quê quán;
- Bị mất thẻ CCCD;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, người dân vẫn có thể tiếp tục tiến hành thủ tục làm thẻ CCCD gắn chip nếu đã đợi thời gian quá lâu mà vẫn chưa nhận được thẻ.
Cách đăng ký thường trú online tại nhà
Người dân có thể ngồi tại nhà, thực hiện thủ tục đăng ký thường trú online, chỉ cần làm theo các bước sau.
Thủ tục đăng ký thường trú online ngay tại nhà
Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Chọn Đăng nhập ở góc phải bên trên. Đăng nhập bằng Tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nếu chưa có tài khoản Tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia, công dân truy cập đường link https://dangky.dichvucong.gov.vn/register để đăng ký mới.
Bước 2: Chọn Dịch vụ công là Thường trú.
Hệ thống sẽ chuyển đến trang Hồ sơ đăng ký thường trú.
Bước 3: Điền đầy đủ thông tin; các thông tin có gắn dấu (*) là bắt buộc, không được bỏ trống.
Ở phần cuối, đính kèm các tập tin hình ảnh về các loại giấy tờ để giúp cơ quan chức năng xác minh và giải quyết hồ sơ.
Ở phần này, người đăng ký cần xác định mình thuộc trường hợp đăng ký thường trú nào để lựa chọn Giấy tờ phải đính kèm cho phù hợp (nhập khẩu vào nhà mua, nhập khẩu vào nhà người thân hoặc nhà thuê…).
Chẳng hạn, nếu đăng ký thường trú vào nhà thuộc sở hữu của mình thì chỉ cần Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp; không cần đính kèm Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình; Giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 2 điều 20 Luật Cư trú (là người chưa thành niên, người cao tuổi...) hay Giấy tờ, tài liệu chứng minh diện tích bình quân với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ…
Người dân có thể lựa chọn hình thức nhận thông báo kết quả giải quyết qua cổng thông tin hoặc nhận trực tiếp tại trụ sở Công an.
Chọn "Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên".
Cuối cùng, click vào "Ghi và gửi hồ sơ".
Lưu ý: Tất cả thông tin kê khai phải trùng với thông tin được quản lý trong Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Nếu không, hệ thống sẽ yêu cầu người dân đến cơ quan quản lý cư trú (Công an cấp xã) để cập nhật, bổ sung thông tin.
Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký thường trú, người cũng có thể tra cứu tiến độ thực hiện thủ tục này qua mạng.
Bước 1: Tại trang chủ Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú, chọn Quản lý hồ sơ dịch vụ công. Chọn tiếp Hồ sơ mới đăng ký.
Bước 2: Nhập Mã hồ sơ và chọn Thủ tục hành chính để biết được kết quả hồ sơ.
Đăng ký thường trú online có cần đến xuất trình bản gốc
Theo Thông tư 55/2021/TT-BCA, trường hợp thực hiện đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú thì người yêu cầu đăng ký cư trú khai báo thông tin và đính kèm bản quét hoặc bản chụp các văn bản, giấy tờ cần thiết theo quy định. Công dân có trách nhiệm xuất trình bản chính các giấy tờ, tài liệu đã cung cấp khi có yêu cầu của người làm công tác đăng ký cư trú.
Như vậy, nếu Công an yêu cầu, công dân vẫn phải đến xuất trình bản gốc để được đăng ký thường trú.
Trong 7 ngày làm việc kể từ lúc nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý cư trú sẽ thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thường trú bằng văn bản, qua email hoặc trên Cổng dịch vụ công. Nếu từ chối đăng ký, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bùi Hằng