0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 24/05/2020 08:38 (GMT+7)

Cát không phải là nguồn tài nguyên vô tận

Vấn nạn cát đang khiến cho nhiều người ngạc nhiên bởi không có bất kỳ một vât liệu nào mà khi được khai thác quá mức lại không gây ra tác động nặng nề đến hành tinh và cuộc sống con người.

Hiện nay, thế giới đang trong thời kỳ thiếu nguồn nguyên liệu cát trầm trọng, bởi cát đang là tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều thứ hai chỉ sau nước.

Nghe có vẻ thì tầm thường nhưng cát lại là thành phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống con người. Cát là nguyên liệu chủ yếu tạo nên những thành phố hiện đại. Cát dùng trong xây dựng đường sá, văn phòng, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại… Kính ô cửa sổ, kính chắn gió xe hơi và màn hình smartphone, thậm chí chip điện thoại, máy tính và mọi thiết bị điện tử khác đều làm từ cát.


Mỗi năm có khoảng 50 tỷ tấn cát được khai thác để phục vụ mục đích của con người

Mỗi năm có khoảng 50 tỷ tấn cát được khai thác để phục vụ mục đích của con người


Thực tế, thế giới đang thiếu cát trầm trọng, bởi cát hiện là tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều thứ 2 chỉ sau nước. Theo báo cáo của Liên hiệp Quốc, có đến 50 tỉ tấn cát được khai thác, nạo vét và đánh cắp mỗi năm nhằm thỏa cơn khát xây dựng hạ tầng của thế giới. Đáng nói là không phải cát nào cũng có thể sử dụng được.

Trong khi cát sa mạc phần lớn vô dụng đối với con người vì chúng quá trơn, nhẵn, khó kết dính trong sản xuất bê tông thì cốt liệu (thuật ngữ chung chỉ đá nghiền, cát và sỏi) lại là “con cưng” của ngành xây dựng bởi có bề mặt thô, góc cạnh và dễ bám dính. Do đó, loại cát này cũng được con người khai thác triệt để đến nỗi nó đang “bốc hơi” với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ bồi đắp tự nhiên.

Nhu cầu khai thác cát căng thẳng đến mức trên thế giới, vô số lòng sông, bãi bồi ven sông và bãi biển… đã bị cào sạch, đất canh tác và rừng bị xé toạc để săn cát xây dựng hay cát silica có độ tinh khiết cao dùng trong sản xuất kính, các sản phẩm công nghệ cao như chip, tấm pin năng lượng mặt trời…

Nguyên nhân chính cho cuộc khủng hoảng cát là tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Mỗi năm dân số thế giới gia tăng, trong khi ngày càng nhiều người di chuyển từ nông thôn vào đô thị, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

Việc khai thác cát quá mức đã và đang hủy hoại hệ sinh thái, môi trường sống của nhiều loài động thực vật, gây ra ô nhiễm, ngập lụt, giảm nguồn nước ngầm…


Liên hợp quốc ước tính 2/3 dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị vào năm 2050

Liên hợp quốc ước tính 2/3 dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị vào năm 2050


Trước mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng cát, giới chuyên gia khuyến cáo, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng này là một phần thiết yếu trong công cuộc phát triển kinh tế toàn cầu và tăng trưởng bền vững. Nếu không vào cuộc một cách quyết liệt, tác động của cuộc khủng hoảng cát sẽ càng nghiêm trọng, đặc biệt khi cộng hưởng với tác động của biến đổi khí hậu.

Liên hiệp Quốc cũng đã báo động về cuộc khủng hoảng này khi ước tính 2/3 dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị vào năm 2050. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho làn sóng cư dân đô thị mới này sẽ càng đẩy mạnh nhu cầu về cát. Nếu không quản lý hiệu quả, sẽ không đủ cát đáp ứng và chắc chắn xây dựng sẽ không chỉ là ngành duy nhất bị tác động.

Mặc cho những tác hại rất rõ ràng đến môi trường, an sinh xã hội của người dân và nền kinh tế toàn cầu nhưng phần lớn các quốc gia vẫn còn thiếu khung pháp lý để điều hành việc sử dụng và khai thác cát. Hợp tác quốc tế trong vấn đề này cũng rất mờ nhạt. Đây là điều đáng ngại.

Vì thế, chính phủ các nước và các định chế quốc tế nên lập ra các thỏa thuận toàn cầu trong việc quản lý sử dụng và khai thác cát. Bước đầu tiên là cần lập ra một nhóm làm việc quốc tế tương tự như nhóm làm việc về nước của Liên hiệp Quốc. Mục đích là để các chính phủ và khu vực tư nhân hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trong việc quản lý cát.

Chính phủ các nước cũng cần cam kết thu thập thông tin đầy đủ hơn về khai thác cát để đối phó nạn buôn lậu cát. Nếu không có thông tin đầy đủ, rất khó ước tính mức độ nghiêm trọng của thách thức này để đưa ra các giải pháp hiệu quả.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của công chúng về cuộc khủng hoảng cát và đưa dư luận vào cuộc chiến này vì họ luôn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy chính phủ và các tổ chức tích cực hơn trong các vấn đề kinh tế – xã hội.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Cát không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới