Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đổ thải không đúng quy định tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm
Do vị trí được phê duyệt làm bãi thải của dự án chưa giải phóng mặt bằng và bàn giao nên đơn vị thi công dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng đã đổ thải vào dự án khu đô thị gần đó.
Thời gian vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin liên quan đến vấn đề vận chuyển tập kết đất đá thải trong quá trình thi công xây dựng Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (NMTĐ Hòa Bình mở rộng). Hiện tại trong quá trình thi công, đất đá thải tại Dự án được đổ ngay trong TP.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), không đúng nơi được phê duyệt đổ thải. Chính vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vi phạm những phương án đã được phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Theo đó, ngày 10/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ khởi công Công trình Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình mở rộng.
Ban QLDA Điện 1 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao làm đại diện chủ đầu tư. |
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 9.220,83 tỉ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm: Nguồn vốn vay thương mại trong nước 4.000 tỉ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ 70 triệu euro của Cơ quan Phát triển Pháp (AfD).
Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hằng năm khoảng 488,3 triệu kW giờ/năm.
Tư vấn thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10. Sau khi hoàn thành công trình, NMTĐ Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình lên 2.400 MW.
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình NMTĐ Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ mang lại các hiệu quả: Tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 dự án sẽ phát điện vào quý III-2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV-2024.
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đang được thi công, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa được bàn giao bãi đổ thải như phương án phê duyệt. |
Tuy nhiên từ khi khởi công đến nay đã hơn 2 tháng, nhưng tiến độ thi công còn hạn chế do UBND tỉnh Hòa Bình chưa bố trí được bãi đổ thải cho dự án. Chính vì vậy đã xảy ra hiện tượng, Ban QLDA Điện 1 đã phải tự tìm những bãi đổ thải ngoài quy hoạch chưa được phê duyệt. Điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy liên quan đến vấn đề môi trường và những phương án tài chính trong quá trình thi công đã được phê duyệt.
Để làm rõ thông tin này, chiều ngày 12/3 PV đã làm việc với Ban quản lý dự án Điện 1 – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tại buổi làm việc, ông Cao Phan Kỷ - Phó Giám đốc phụ trách dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại dự án đã khởi công được khoảng hơn 2 tháng. Dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tại Quyết định số 103/QĐ-BTNMT, ngày 17/1/2018.
Theo đó, khối lượng đất đá thải dự kiến được vận chuyển đi là 2.000.000 m3. Bãi đổ thải được phê duyệt tại 2 vị trí. Vị trí thứ nhất thuộc Dốc Cun (TP.Hòa Bình), cách khoảng 8 km với trữ lượng đổ thải là 4 triệu m3. Vị trí thứ 2 thuộc đầm Quỳnh Lâm (phường Quỳnh Lâm, TP.Hòa Bình), cách khoảng 4 km, với trữ lượng đổ thải là 300.000 m3. Số còn lại sẽ được tận dụng sử dụng thi công dự án. Liên quan đến vấn đề chi phí cho việc vận chuyển đốt thải, ông Kỷ cho biết được tính theo đơn giá quy định. Tùy theo cung đường ngắn dài, chất thải… có những khung giá khác nhau.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, ông Cao Phan Kỷ cho biết, UBND tỉnh Hòa Bình chưa bàn giao mặt bằng đổ thải cho đơn vị, lý do được đưa ra là chưa hoàn thiện xong viêc đền bủ giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy đã gây nhiều khó khăn trong tiến độ thi công dự án. Theo ông Kỷ, thì việc thi công dự án đang rất gấp rút, bởi phải thi công xong trước mùa mưa. Nếu mùa mưa đến thì sẽ phải dừng việc thi công. Chính vì vậy đơn vị thi công dự án đã chủ động tìm vị trí đổ thải. Việc chậm trễ tiến độ, phía Ban QLDA Điện 1 đang phải chịu phạt với mức giá là 150.000.000 đồng/ngày.
Ông Cao Phan Kỷ - Phó Giám đốc phụ trách dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng (ngoài cùng bên phải), ông Trần Hải Bắc – Phó Giám đốc liên danh nhà thầu thi công (trong cùng), làm việc với PV. |
Thực tế này trái ngược hoàn toàn so với lời phát biểu của ông Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân trong lễ khởi công dự án. Báo Nhân dân dẫn lời ông Nhân: “EVN đã khẩn trương làm việc với các cơ quan liên quan triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công Công trình. Cụ thể: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chấp thuận và HĐTV EVN đã có Quyết định đầu tư Dự án. Bộ Công Thương đã thông qua kết quả thẩm định Thiết kế kỹ thuật và Dự toán xây dựng công trình. EVN đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục khởi công. Mặt bằng các hạng mục liên quan khởi công gồm khu vực hố móng Nhà máy, cửa nhận nước, bãi thải, khu phụ trợ, lán trại đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao cho chủ đầu tư. Hệ thống đường giao thông phục vụ thi công đã được EVN đầu tư nâng cấp đáp ứng yêu cầu triển khai công trình.
Liên quan đến việc vận chuyển đất đá thải tại dự án, đổ vào những nơi tập kết không đúng quy định, ông Trần Hải Bắc – Phó Giám đốc liên danh nhà thầu thi công cho biết, đơn vị lựa chọn KĐT Thống Nhất (xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình) để đổ thải, bên KĐT Thống Nhất tiếp nhận đất đá để làm mặt bằng. Việc này đơn vị đã báo cáo địa phương và Ban QLDA Điện 1 để tránh gây lãng phí thời gian, tiến độ của dự án. Trong quá trình vận chuyển, phía nhà thầu cũng đã tiến hành tưới nước, vệ sinh mặt đường, bố trí đảm bảo an toàn giao thông.
Đất đá thải tại Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, đang phải trả chi phí để được đổ thải vào mặt bằng Dự án KĐT Thống Nhất do UBND tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. |
Vị trí đổ thải hiện tại là KĐT Thống Nhất (xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), do UBND tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Vậy trong phương án thi công đã được duyệt, thì KĐT Thống Nhất này sử dụng nguồn vật liệu gì để làm mặt bằng, chi phí bao nhiêu? Bởi theo ông Kỷ, thì đất đá thải của dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng phải trả chi phí để “được” đổ tại KĐT Thống Nhất. Ngoài ra, vấn đề này cũng thay đổi những nội dung đã được phê duyệt trong ĐTM của dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng.
Trong buổi làm việc ông Cao Phan Kỷ cho biết, BQLDA Điện 1 đang trao đổi với UBND tỉnh Hòa Bình để tìm kiếm, bố trí các điểm đổ thải phù hợp. Đến sáng ngày 15/3, PV liên hệ lại với ông Kỷ, theo đó phía UBND tỉnh Hòa Bình vẫn chưa tìm được vị trí đổ thải. Dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện thi công.
PV sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường