Cao Bằng: Công bố đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê
Ủy ban nhân dân huyện Thạch An (Cao Bằng) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng đã tổ chức lễ đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê, huyện Thạch An.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lê Đông Khê số 350644 được trao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu thuộc nhóm 31: Quả lê tươi (quả lê được sản xuất từ giống lê vàng Đông Khê)…
Theo mô tả, nhãn hiệu chứng nhận có nguồn gốc địa lý là giống lê vàng Đông Khê được trồng tại 10 xã (gồm xã Đức Long, Đức Xuân, Lê Lai, Lê Lợi, Danh Sỹ, Vân Trình, Thái Cường, Trọng Con, Thị Ngân, Thị Hùng) và thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Nhãn hiệu chứng nhận có quả hình cầu, tròn đều, một số ít hơi dẹt hoặc cao thành; vỏ quả khi chín có những đốm nâu sẫm trên nền nâu vàng hoặc nâu phớt xanh; chiều cao quả từ 65 - 72 mm; khối lượng quả trung bình 280 - 400g, tối đa không quá 1,2 kg. Quả có vị ngọt, chát, chua và có hương thơm tự nhiên…
Mới đây, Cao Bằng đã đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê
Huyện Thạch An có gần 90 ha trồng cây lê, trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Lê Lai, Lê Lợi, Đức Long, Vân Trình và Thị trấn Đông Khê. Đến nay, đã mở rộng diện tích trồng tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đặc điểm lê Đông Khê có vị ngọt, thơm, chát đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2012, lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.
Bên cạnh đó, dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Đông Khê” cho sản phẩm quả lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng” thực hiện từ tháng 7 năm 2018 do Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Phát triển chiến lược nông nghiệp nông thôn chủ trì thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp Khoa học và Công nghệ của tỉnh.
Dự án thực hiện với các nội dung như: Xây dựng hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận; Xây dựng mô hình quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận; Hoạt động hỗ trợ quảng bá và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “ Đông Khê” cho sản phẩm quả Lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Việc được công nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê sẽ là một khởi đầu mới đầy triển vọng với bà con nhân dân trồng lê trên địa bàn huyện Thạch An
Qua 2 năm triển khai tích cực, Dự án đã bám sát những nội dung được phê duyệt, thực hiện hoàn thành và đạt các kết quả quan trọng như: Đã tiến hành xây dựng và ban hành quy chế kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; quy trình kỹ thuật trồng, canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm và kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm; hệ thống biểu mẫu sổ sách để chủ sở hữu kiểm tra, theo dõi, kiểm tra chất lượng mang nhãn hiệu chứng nhận tại từng hộ sản xuất lê Đông Khê.
Dự án đã thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu bao gồm: Bộ mẫu thiết kế pano, biển quảng cáo, băng rôn, tem treo, bao bì đựng sản phẩm gắn với biểu trưng logo của sản phẩm, đăng ký sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm. Dự án đã tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát thị trường và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tiêu thụ ( các siêu thị, trung tâm thương mại, thương lái uy tín trên địa bàn...) để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Đồng thời, dự án đã tiến hành xây dựng, thiết lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, thẩm định và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Lê Đông Khê đăng ký nhãn hiệu số 350644 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp theo Quyết định số 33177/QĐ-SHTT ngày 15 tháng 5 năm 2020.
Để duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê trong thời gian tới, Huyện tiếp tục định hướng phát triển diện tích trồng cây lê theo quy mô hàng hoá gắn với thương hiệu. Đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng chiến lược bảo tồn, phục tráng nâng cao chất lượng từ cây giống; chỉ đạo người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, quyết tâm đưa cây lê trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh...
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm