Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tặng quà từ nước ngoài
Thông qua những tài khoản giả mạo và tài khoản thật bị chiếm quyền sử dụng, các đối tượng dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Trị, ngày 6/1 đơn vị này vừa di lý nghi phạm Lê Thị Kim Hoàn (31 tuổi, quê Tây Ninh, trú ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) ra Quảng Trị để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lực lượng chức năng cũng thu giữ 1 máy tính, 4 điện thoại và hàng chục thẻ ngân hàng.
Theo cơ quan điều tra, đối tượng Kim Hoàn thường giả là người nước ngoài làm quen với các nạn nhân trên mạng xã hội, sau đó ngỏ ý tặng món quà có giá trị về Việt Nam.
Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, Hoàn tiếp tục gọi điện thoại giả danh là hải quan, nhân viên sân bay hoặc an ninh cửa khẩu… yêu cầu các nạn nhân chuyển một khoản tiền là thuế, phí để nhận món hàng được gửi từ nước ngoài về vào tài khoản của Hoàn. Sau khi các nạn nhân chuyển khoản, nghi phạm lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc.
Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tặng quà từ nước ngoài |
Tại cơ quan điều tra, nghi phạm Hoàn thừa nhận đã thực hiện vụ lừa đảo như trên tại Quảng Trị với số tiền chiếm đoạt của một nạn nhân là 3,8 tỉ đồng. Cũng bằng thủ đoạn này, Hoàn đã chiếm đoạt tiền của hàng trăm bị hại khác trên cả nước, số tiền hàng chục tỉ đồng.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, đối tượng Hoàn chỉ là một mắt xích trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền theo phương thức này.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay rất nhiều mạng xã hội đang được sử dụng công khai với số lượng người sử dụng đông đảo như Facebook, Zalo, Instagram, … đó là điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc đăng ký và tạo lập các tài khoản một cách dễ dàng dẫn đến tình trạng rất nhiều tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tồn tại tràn lan trên mạng xã hội, rất khó để kiểm soát và phân biệt được với các tài khoản thật.
Bằng các chiêu trò như ứng dụng lừa đảo, đường link clip, hình ảnh nóng,… các đối tượng dễ dàng đánh cắp thông tin và chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản của người khác. Thông qua những tài khoản giả mạo và tài khoản thật bị chiếm quyền sử dụng, các đối tượng dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người, sau đó hỏi mượn, vay tài sản với mục đích chiếm đoạt, phổ biến nhất là hỏi vay tiền và nhờ nạp tiền điện thoại.
Tinh vi hơn nữa, các đối tượng tạo thành một nhóm cùng đưa ra những thông tin giả một cách ăn khớp với nhau, làm cho nạn nhân không thể biết được thông tin nào là thật, thông tin nào là giả. Thực tế cho thấy, mặc dù dạng hành vi này không còn quá mới, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người trở thành nạn nhân.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm