Cảnh báo: Lừa đảo làm sổ hồng, sổ đỏ giả cuối năm
Thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp trên cả nước tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng sổ đỏ, sổ hồng và các giấy tờ liên quan giả để lừa bán các bất động sản.
Cuối năm là thời điểm thị trường bất động sản sốt nóng, việc mua đi bán lại nhà đất, nhất là đất nền. Nhiều đối tượng lợi dụng diễn biến thị trường để lừa đảo lên mạng bằng hình thức đặt hàng các sổ đỏ, sổ hồng giả.
Theo đó, chỉ cần tìm kiếm cụm từ làm sổ đỏ giả, sổ hồng "fake" trên google ngay lập tức có hàng chục kết quả trả về. Các trang web còn ngang nhiên quảng bá việc làm sổ đỏ, sổ hồng giả như thật, có thể mang đi mua bán, vay ngân hàng, cầm cố thỏa mái.
Khách hàng khi có nhu cầu sẽ được nhân viên tư vấn điện thoại lại tư vấn, giao hàng trong 24h với cam kết như thật, bị phát hiện sẽ không lấy tiền.
Cảnh báo lừa đảo làm sổ hồng, sổ đỏ giả cuối năm. Ảnh minh họa |
Hầu hết các trang web bán giấy tờ giả quảng cáo rất công khai, cam kết các loại bằng cấp và giấy tờ đều làm 100% bằng phôi thật. Không những thế, các chữ ký, mộc giáp lai, tem phản quang chống hàng giả đều ký tay, đóng mộc thật, dán tem thật chứ không phải dùng máy in kém chất lượng.
Các đối tượng còn tư vấn cho người đặt sổ đỏ giả làm giả luôn các giấy tờ liên quan như trích lục bản đồ, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn,… tăng mức độ uy tín cho giấy tờ.
Thực tế thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp trên cả nước tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng sổ đỏ, sổ hồng và các giấy tờ liên quan giả để lừa bán các bất động sản. Đáng chú ý, thông thường, các hành vi lừa đảo này chỉ bị phát giác sau khi các đối tượng đã thực hiện một vài vụ trót lọt.
Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã bắt được đối tượng Nguyễn Thị Bích Vi, sinh năm 1989, trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, làm giả hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán hoặc thế chấp đi vay tiền rồi chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Quá trình điều tra, bước đầu Vi khai nhận trước đây có kinh nghiệm trong việc kinh doanh bất động sản nên biết nhiều phương thức để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, Vi có nợ ngân hàng và vay nóng bên ngoài nên Vi đã sử dụng phương thức phân lô bán nền dựa trên cơ sở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gốc của khách hàng để đi lừa đảo.
Vi đã lên Internet tìm kiếm được một nơi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rồi đặt làm hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giá với giá 18 triệu đồng một giấy, sau đó mang các giấy này đi thế chấp trả nợ, bán đất hoặc vay tiền của nhiều người rồi chiếm đoạt.
Vi khai nhận, đến thời điểm bị bắt đã làm 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để gán nợ và lấy tiền của khách hàng gần hai tỷ đồng.
Hiện, vụ việc đang công an TP Buôn Ma Thuột tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm