0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 20/08/2022 08:00 (GMT+7)

Cạn room tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh thu ngoài lãi

Báo cáo tài chính quý II/2022 vừa được các ngân hàng thương mại công bố với kết quả ấn tượng, lợi nhuận cao. Song, dự báo nửa cuối năm, lợi nhuận ngân hàng sẽ khó kéo dài do room tín dụng.

Với nguồn thu của một ngân hàng đến từ 2 nguồn. Trung bình, 75% đến từ hoạt động chính là cho vay (tín dụng), 25% còn lại là phi tín dụng (nguồn thu ngoài lãi). Đó có thể là thu từ dịch vụ bảo hiểm, từ phí thẻ tín dụng, từ chuyển tiền, thanh toán quốc tế hay từ sự chuyển đổi số của các ngân hàng.

Đặc biệt, có những ngân hàng tỷ lệ này đã tăng lên 35%, thậm chí hơn 50%. Nguồn thu hàng chục tỷ đồng của ngân hàng đôi khi đến từ việc các gia đình cho con em đi du học.

Cạn room tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh thu ngoài lãi - Ảnh 1

Sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, cấp 3, nhiều học sinh đang được gia đình định hướng du học tại nước ngoài như Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ. Với chi phí một năm học tại Mỹ từ 50.000-80.000 USD/năm, tương đương khoảng từ 1,1-1,8 tỷ đồng/năm, mỗi lần thanh toán, ngân hàng có thêm một khoản thu.

Chị V, Quản lý tư vấn du học, Công ty TNHH Fourdozen, Inc, cho biết: "Học sinh sẽ phải chịu một mức phí cho mỗi lần chuyển tiền tại ngân hàng, đó là 22 USD cộng 0,2% số tiền thực tế mà học sinh muốn nộp".

Ngoài chuyển tiền để thanh toán du học, các cá nhân còn chuyển tiền để du lịch, chữa bệnh. Còn với các doanh nghiệp là thư tín dụng, hay là thanh toán xuất nhập khẩu khi 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 371 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), cho hay: "Hiện doanh số mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế của ngân hàng đã lên đến 6-7 tỷ USD. Đó là con số lớn so với quy mô của ngân hàng".

Giá trị thanh toán qua thẻ tín dụng tại Việt Nam trong nửa đầu năm cũng tăng mạnh trên 70%, nhất là ở các lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, ăn uống.

Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank), cho biết: "Khi áp dụng số hóa, việc phê duyệt thẻ tín dụng chỉ mất khoảng vài giây thay vì mất 2-3 ngày, từ đó thúc đẩy việc tiêu dùng của khách hàng, gắn liền hoạt động thanh toán của khách hàng trên thẻ tín dụng. Do vậy, những hoạt động liên quan đến thẻ tín dụng cũng tăng khoảng 45%".

Nhiều ngân hàng có nguồn thu ngoài lãi tăng mạnh gấp 2 so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh room tín dụng 5 tháng cuối năm sắp cạn, thu nhập ngoài lãi sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt, trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng dù nợ xấu nội bảng đang ở mức 1,4% nhưng nếu Thông tư 14 không được gia hạn, những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm, tức nợ xấu sẽ tăng. Dự báo nợ xấu nội bảng 2022 được đẩy lên 2% và nợ xấu gộp khoảng 6%.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Cạn room tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh thu ngoài lãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới