Cần có các mô hình hướng dẫn để giảm chi phí sản xuất vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam
Vụ Đông Xuân 2021-2022 tại các tỉnh phía Nam là một trong những vụ sản xuất lúa quan trọng của vùng. Chính vì vậy, công tác tháo gỡ khó khăn về vật tư đầu vào cho vụ sản xuất này đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo thống kê của Cục, các vụ lúa sản xuất ở khu vực phía Nam nói chung như Đông Xuân, Hè Thu chiếm tỷ trọng lớn. Tổng 4 vụ đạt khoảng 21 triệu tấn lúa gạo, chiếm 50% cả nước. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến vật tư đầu vào cung ứng cho sản xuất vụ Đông Xuân tại các địa phương phía Nam cần phải tháo gỡ.
Về vật tư phân bón, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, CTCP Phân bón Bình Điền cho biết, hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân phón, ngay cả với Bình Điền, việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp không ít khó khăn, nguyên nhân do các nguyên liệu nhập khẩu đều tăng giá mạnh.
Để đẩy mạnh công tác tháo gỡ khó khăn cho vật tư đầu vào cung cấp cho vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam, ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc CTCP Giống cây trồng miền Nam kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp để hạn chế được hiện tượng đóng hàng giả về giống lúa trên thị trường, bởi các doanh nghiệp không thể nào có khả năng để quản lý hết được những vấn đề này.
Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, hiện nay giá vật tư đầu vào, phân bón đang là rào cản lớn đối với lợi nhuận của người nông dân. Do vậy, sắp tới cần có các mô hình, hướng dẫn để giảm giá thành của sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho bà con. Trong đó, các cơ quan như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Trồng trọt có thể đưa ra các mô hình giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất để Sở NN&PTNT triển khai xuống tới bà con.
Theo ý kiến của ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, CTCP Phân bón Bình Điền, giải pháp để thích ứng là trước mỗi mùa vụ cần có các diễn đàn thảo luận sâu về tình hình thị trường, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào trong giai đoạn đó. “Từ những dự báo này chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào”, ông Tâm nhấn mạnh.
Về vấn đề vật tư đầu vào, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đề nghị các đơn vị sản xuất giống nghiên cứu đến việc chia sẻ bản quyền giống trên cơ sở thỏa thuận giá bán hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có điều kiện tiếp cận được với những giống bản quyền, giống chất lượng cao với giá thành thấp nhất.
Ngoài ra, trước thực trạng vật vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30-40%, trong khi giá bán lúa không tăng. Vì vậy, ông Lê Hữu Toàn kiến nghị cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm, giúp người nông dân thuận lợi trong việc giảm giá thành sản xuất trong vụ Đông Xuân.
Ông Trương Kiến Thọ cũng kiến nghị, cần có nguồn vốn cho hợp tác xã để có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, vật tư đầu vào là một trong những yếu tố quyết định đến giá thành nông sản ở ĐBSCL. Nếu làm tốt giống, phân bón thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ít hơn. Để phục vụ cho vụ Đông Xuân 2021-2022, sắp tới nhu cầu giống khá lớn. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tính toán số liệu chi tiết đến từng cánh đồng, Cục Trồng trọt sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, nông dân và doanh nghiệp về vấn đề này.