0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 06/01/2022 06:44 (GMT+7)

Các tỷ phú Việt "ăn nên làm ra" thế nào trong năm 2021?

Bất chấp dịch COVID-19 hoành hành, tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có một năm giao dịch đầy thăng hoa, tạo đòn bẩy kéo theo khối tài sản của nhiều tỷ phú Việt đứng top TTCK gia tăng phi mã.

Phiên chứng khoán ngày 31/12/2021 đã khép lại một năm 2021 đầy sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, VN-Index đóng cửa ở mức 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với năm trước đó.

Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán giúp tài sản của các tỉ phú gia tăng nhanh chóng. Trong 200 người giàu nhất sàn chứng khoán, có đến 150 người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tăng 60 người so với một năm trước.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vững vàng ngôi vị quán quân

tm-img-alt
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. 

Trong năm 2021, Vingroup đã tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực sản xuất khi tập đoàn này tập trung cao độ cho VinFast, ra mắt nhiều dòng xe điện mới, bắt đầu tấn công thị trường nước ngoài. Ngoài ra, Vinfast cũng đang tích cực chuẩn bị IPO tại sàn chứng khoán Mỹ, kỳ vọng giúp định giá của VinFast nói riêng và Vingroup nói chung có những thay đổi lớn trong thời gian tới.

Ông Phạm Nhật Vượng là người trực tiếp nắm giữ 985,5 triệu cổ phiếu VIC, đồng thời gián tiếp sở hữu 1,17 tỷ cổ phiếu VIC thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, vẫn giữ vững ngôi đầu là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản trị giá 7,4 tỷ USD theo dữ liệu của tạp chí Forbes tính đến ngày 31/12/2021, xếp thứ hạng 370 trong danh sách tỷ phú thế giới. Forbes cũng vinh danh ôngtrong danh sách 15 nhà từ thiện hàng đầu châu Á năm 2021 (Asia's 2021 Heroes Of Philanthropy).

"Vua thép" Trần Đình Long đột phá

tm-img-alt
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát. 

Năm 2021 có thể coi là năm bận rộn của tỷ phú Trần Đình Long,  ông gấp rút thoát khỏi mảng kinh doanh mang tính lịch sử để đầu tư mảng kinh doanh mới. Đặc biệt, tài sản của ông vua ngành thép trên sàn chứng khoán cùng với giá cổ phiếu HPG liên tục đạt đỉnh mới.

Ngày 30/11/2021, Hòa Phát đã chính thức hợp tác cùng Tập đoàn KDI Holdings đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án bất động sản tổng quy mô 2.800ha tại tỉnh Khánh Hòa với tham vọng đánh mạnh vào thị trường bất động sản, trở thành nhà phát triển địa ốc hàng đầu Việt Nan, chiến lược đầu tư các siêu đô thị ở các địa phương.

Ông thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Nội thất Hòa Phát, rút chân ra khỏi mảng nội thất để lấn sân sang lĩnh vực mới: điện máy gia dụng. "Vua thép" góp vốn thành lập CTCP Điện máy Gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào tháng 9/2021. Đồng thời mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất container khi thành lập CTCP Sản xuất Container Hòa Phát có trụ sở tại KCN Phú Mỹ II, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2022.

Đầu tháng 6/2021, HPG lần đầu tăng giá lên hơn 55.000 đồng/CP, điều này đã giúp ông Trần Đình Long lên vị trí tỷ phú đô la thứ 2 với tổng tài sản 2,7 tỷ USD trên tạp chí Forbes . Tuy nhiên,  giá cổ phiếu HPG lại biến động lên xuống khá mạnh sau đó. Vào giữa tháng 7, cổ phiếu HPG từng có lúc chỉ hơn 44.000 đồng trước khi hồi về mức 46.400 đồng/CP trong phiên 31/12/2021.

Tuy nhiên, ông Long vẫn giữ được vị trí thứ 2 trong top người giàu của Việt Nam, khối tài sản 54.100 tỷ đồng, tăng hơn 18.000 tỷ đồng so với năm trước (+51%). Trong khi đó, Forbes cho biết, ông Long đang có tài sản 3,1 tỷ USD, giàu thứ 1.065 thế giới.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết với cổ phiếu tăng phi mã trong năm 2021

tm-img-alt
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. 

Hãng hàng không Bamboo Airways của ông Quyết liên tục mở những đường bay mới, cả quốc tế lẫn nội địa, bất chấp đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trong năm 2021. Bamboo Airways cũng đã có tới 4 lần tăng vốn, từ 7.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng và từng đứng số 1 trong số các hãng hàng không nội địa, xếp trên cả Vietnam Airlines và lớn gấp nhiều lần Vietjet Air.

Đặc biệt, để làm thương hiệu cho hãng hàng không này, ông Trịnh Văn Quyết vào cuối tháng 11/2021 còn bất ngờ chia sẻ ý định mua một đội bóng tại Ngoại Hạng Anh.  

Việc tái cơ cấu Bamboo Airways, ông Quyết cũng hoàn thành lời hứa hồi đưa cổ phiếu FLC vượt mệnh giá vào ngày 25/3/2021. Diễn biến giá cổ phiếu FLC sau đó đã diễn ra đúng như kỳ vọng của ông Quyết. Thậm chí, không chỉ "về mệnh" thành công, FLC trong năm 2021 còn vượt xa so với mốc 10.000 đồng/cổ phiếu, lập đỉnh 16.500 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 11/2021 và hiện đang giao dịch trong khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, ông Quyết hiện nắm giữ hơn 30% cổ phần tại FLC, hơn 51% cổ phần CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (GAB), cùng với một tỷ lệ cổ phần tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Chứng khoán BOS (ART). Đồng thời, nếu tính thêm khối lượng 951 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 51% sở hữu tại hãng hàng không Bamboo Airways, và 218 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 52% sở hữu tại FLCHomes hiện tại trên thị trường OTC thì tổng giá trị tài sản vốn hoá của ông Trịnh Văn Quyết vẫn có thể được ước tính vào khoảng 47.900 tỷ đồng (tương đương 2,04 tỷ USD).

Ông chủ Masan và Techcombank bứt phá trong năm, ghi nhận lãi đậm

tm-img-alt
Ông Nguyễn Đăng Quang (trái) và ông Hồ Hùng Anh. 

Bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đã kiếm thêm một tỷ USD/người trong năm 2021. 

Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh, hiện là người giàu nhất lĩnh vực tài chính ngân hàng trên sàn chứng khoán, sở hữu hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, ngoài ra gián tiếp sở hữu hơn 176 triệu cổ phiếu MSN thông qua 47,56% cổ phần tại CTCP Masan, gián tiếp sở hữu hơn 74,5 triệu cổ phiếu MSN thông qua 47,56% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Khối tài sản của ông tính theo giá đóng cửa ngày 31/12/2021 tương đương với gần 45.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,95 tỷ USD.

Techcombank là ngân hàng tư nhân trong top đầu thị trường với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt trên 13.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Masan Group cũng ăn nên làm ra trong năm nay, các mảng kinh doanh quan trọng không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đạt hơn 64.800 tỷ đồng và đạt gần 3.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 268% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sự tăng trưởng của cổ phiếu MSN trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group cũng là một trong những cá nhân có tài sản vốn hoá gia tăng nhanh nhất năm qua, hiện đang nắm giữ 255,7 triệu cổ phiếu MSN bên cạnh 9,4 triệu cổ phiếu TCB và một lượng nhỏ cổ phiếu MCH của Masan Consumer. Khối tài sản vốn hoá của ông hiện vào khoảng 44.300 tỷ đồng (1,92 tỷ USD), gần gấp đôi so với đầu năm.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chèo lái Vietjet "vượt bão" COVID-19

tm-img-alt
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chủ tịch Vietjet Air. 

Ngành hàng không trong năm 2021 đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn thành công trong việc điều hành Sovico, HDBank, duy trì lợi nhuận cho Vietjet Air nhờ tối ưu sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn hàng không giảm khai thác và tái cấu trúc danh mục đầu tư.  

Trong năm 2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ doanh nhân Việt đầu tiên được Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Nữ tướng Vietjet Air cũng nhận được nhiều sự chú ý khi ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Đại học Oxford nhằm tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh (gần 212 triệu USD) vào tháng 10/2021. Với việc tài trợ này, CEO Vietjet Air trở thành người Việt đầu tiên được gắn tên vào một trường đại học Anh Quốc.

Hiện giá trị tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trên sàn chứng khoán cũng đã đạt mức 2,6 tỷ USD và đứng vị trí 1.111 trên thế giới.

Tỷ phú "tân binh" Đỗ Anh Tuấn 

tm-img-alt
Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine Group. 

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Kienlongbank là cái tên mới nhất trong bảng xếp hạng người giàu năm 2021. Hiện sở hữu gần 18 triệu cổ phiếu KLB tương đương 4,97% vốn điều lệ ngân hàng, có giá trị 449 tỷ đồng.

Được biết đến nhiều hơn với vai trò là Chủ tịch của Sunshine Group. Trong  năm qua, ông đã đưa 3 cổ phiếu lên sàn chứng khoán gồm Sunshine Homes, KSFinance, Xây dựng SCG. Trong đó, vốn hóa của Sunshine Homes hiện đạt 38.400 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của KSFinance cũng tiệm cận mức tỷ USD với 23.040 tỷ đồng.

Ông Đỗ Anh Tuấn hiện có hơn 243,7 triệu cổ phiếu SSH, 162,7 triệu cổ phiếu KSF, 8,5 triệu cổ phiếu SCG. Khối tài sản của ông trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 38.500 tỷ đồng, tương đương 1,67 tỷ USD.

"Ông trùm" BĐS phía Nam, Chủ tịch Novaland

tm-img-alt
Tỷ phú Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Novaland. 

Ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Novaland tiếp tục bứt phá trong năm 2021, nhiều  dự án lớn đang triển khai và quỹ đất ngày càng mở rộng. Từ năm 2021-2023, lợi nhuận của tập đoàn dự kiến sẽ tăng đột biến từ các dự án trọng điểm đang được tập đoàn đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện sớm hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, hòa nhịp với tiến độ khánh thành, đưa vào sử dụng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng. 

Với thị giá cổ phiếu NVL tại ngày 31/12/2021 là 91.000 đồng/CP, vốn hóa Novaland đã tăng lên mức 175.419 tỷ đồng, tương đương 7,3 tỷ USD. Nhờ sở hữu trực tiếp 415,7 triệu cổ phiếu NVL, ông Bùi Thành Nhơn cũng trở thành một trong cái tên nổi bật với khối tài sản xấp xỉ 37.830 tỷ đồng (1,64 tỷ USD).

Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt "mạnh tay" bung tiền nhiều thương vụ M&A

tm-img-alt
Chủ tịch BĐS Phát Đạt, ông Nguyễn Văn Đạt. 

CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) vẫn liên tục bung tiền thực hiện nhiều thương vụ M&A để thâu tóm quỹ đất bất chấp dịch bệnh kéo dài. Trong  tháng 6/2021, công ty ông đã công bố đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,5% phần vốn góp của các cổ đông CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương để chính thức sở hữu Dự án Chung cư Bình Dương Tower diện tích 45.510 m2.

Đồng thời, Phát Đạt cũng nhận chuyển nhượng 99% phần góp vốn của CTCP Đầu tư Bắc Cường để toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển và kinh doanh dự án trên khu đất gần 2.735 m2 tại 223-225 Trần Phú, TP. Đà Nẵng.

Doanh nghiệp này đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu nhằm có nguồn vốn phát triển các dự án từ đầu năm 2021 đến nay. Trong lần phát hành thứ 9 với tổng giá trị huy động là 150 tỷ đồng đã được bảo đảm bằng tài sản cá nhân của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Phát Đạt.

Ông Đạt  hiện đang nắm giữ 297,7 triệu cổ phiếu PDR, tạm tính tại mức giá đóng của ngày 31/12, khối tài sản vốn hoá của ông ước tính đạt mức 28.340 tỷ đồng, tương đương 1,23 tỷ USD.

Nguyễn Đức Thụy - nhà sáng lập Thaiholdings để lại nhiều dấu ấn trong năm 2021

tm-img-alt
Tỷ phú Nguyễn Đức Thụy, người được mệnh danh là "bầu Thụy". 

Tính đến ngày 31/12/2021, Mức vốn hóa ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng chỉ tiêu của Thaiholdings đã đạt 96.950 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa "tỷ đô" duy nhất trên sàn HNX (vốn hóa thị trường IDC mới chỉ đạt 21.420 tỷ đồng; KSF là 20.700 tỷ đồng).

Ngày 29/12, Tập đoàn đã ra nghị quyết thông qua việc góp vốn thành lập công ty hàng không vũ trụ là CTCP Thaispace với mục tiêu IPO tại thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong năm 2022.

Thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng Vũ trụ du lịch tại Phú Quốc của công ty con là CTCP – Tập đoàn Thaigroup. Tập đoàn Thaiholdings và các thành viên cũng đã liên tục có động thái thoái vốn các khoản đầu tư trong đó đáng chú ý là chuyển nhượng 100% vốn Công ty Tôn Đản Hà Nội (đơn vị sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower, tòa nhà văn phòng tại Hà Nội).

Ông Thụy hiện đang đang sở hữu trực tiếp 87,4 triệu cổ phiếu THD của Thaiholdings và 34,24 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank. Giá trị tài sản vốn hoá tính theo thị giá các cổ phiếu này hiện vào khoảng 22.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 982 triệu USD.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu THD liên tục tăng nóng sau khi niêm yết, tài sản của ông Nguyễn Đức Thụy tăng mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Các tỷ phú Việt "ăn nên làm ra" thế nào trong năm 2021?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới