Các tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội từ tăng trưởng xanh, kinh tế số tại Việt Nam
Ngày 10/2, trong chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với tập đoàn, các quỹ đầu tư lớn của Singapore về cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Tại sự kiện, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh cũng như cơ hội làm ăn đầy triển vọng tại Việt Nam; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành Việt Nam nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ mọi rào cản, tạo thuận lợi cho các quỹ đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi trong tăng cường đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Các tổ chức đánh giá quốc tế đều có dự báo tích cực về triển vọng phát triển của Việt Nam. Nikkei Asia tiếp tục đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới), trong khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".
Trong đó, với hơn 3.100 dự án và 71,3 tỉ USD vốn đăng ký, Singapore đứng thứ 2/142 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong 3 năm gần đây, Singapore liên tục là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore hơn 140 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 580 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học và công nghệ.
Về thương mại, Singapore là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,15 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021 với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại…
Lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư cũng đặt câu hỏi về ưu tiên của Việt Nam trong phát triển hạ tầng số; các chính sách để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp ESG (Environmental (Môi trường) - Social (Xã hội) - Governance (Quản trị doanh nghiệp) – các tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng).
Phát biểu với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hiện nay thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, song đây cũng là thời điểm đòi hỏi mỗi quốc gia nói chung và giới kinh doanh nói chung phải có tầm nhìn dài hạn cho tương lai phát triển xanh và bền vững; đồng thời phải tăng cường hợp tác để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng cho biết, trong năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát kiểm soát tốt, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống người dân được cải thiện. Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt 700 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, giải ngân vốn FDI đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt trên tất cả các khía cạnh của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam trên một số lĩnh vực trọng tâm, gồm xây dựng và hoàn thiện thể chế vì mục tiêu tăng trưởng xanh, các chính sách huy động, thu hút các nguồn tài chính xanh đến Việt Nam, kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh; đề xuất các chính sách cần thiết để thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nền kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; kết nối, giới thiệu đối tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp tài chính xanh.
Theo Báo Chính phủ