Phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường
Chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế cần tiếp tục được thực hiện theo chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, đây là con đường phát triển bền vững.
Nhiều chính sách thiết thực
Trái Đất, ngôi nhà chung của nhân loại đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia và người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
Từ năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Báo Chính Phủ. |
Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa, một mặt vẫn phải phát triển nhanh kinh tế - xã hội, song phải đảm bảo phát triển bền vững, gìn giữ môi trường.
Là một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Đảng ủy Tổng cục Môi trường coi công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ trọng tâm. Đảng ủy Tổng cục đã lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 7 Nghị định; 10 Đề án; 34 Thông tư; 2 Văn bản liên tịch; đã hoàn thành dự thảo Luật BVMT sửa đổi, đang trình Quốc hội xem xét; dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang trình Chính phủ xem xét, ban hành; 2 Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã có nhiều chính sách và giải pháp liên quan đến thực hiện chủ trương của Chính phủ. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ TN&MT lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, để xây dựng chương trình hành động và đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, gắn với tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong đó, tập trung sửa đổi Luật BVMT trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 tiếp cận, giải quyết hài hoà giữa phát triển kinh tế với BVMT, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ BVMT và tái chế chất thải. Kiểm kê, kiểm soát, di dời các nguồn ô nhiễm, nâng cao quy chuẩn phương tiện giao thông; đảm bảo quy chuẩn quy hoạch cây xanh, không gian công cộng, giảm ô nhiễm không khí.
Chú trọng phát triển theo hướng bền vững
Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Năm năm qua, với những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.
Cần phát triển nền kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. (Ảnh minh họa). |
Đó là sự chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được ô nhiễm môi trường, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng. Nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường xuất hiện. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế.
“Ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần. Vấn đề môi trường đã thu hút, nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân. Tuy nhiên ở một số địa phương, vẫn còn một số các vấn đề bức xúc về môi trường”, ông Phúc chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, chủ chương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế cần tiếp tục được thực hiện theo chiến lược phát triển nền kinh tế xanh – đây là con đường phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, bảo vệ môi trường được nhìn nhận là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.
Trong nhiều cuộc họp Chính phủ, các bộ ngành về tình hình phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đề cập đến việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại thông điệp về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng nêu rõ phải mở rộng thông điệp này, không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
“Cho nên, tại Hội nghị, chúng ta nhấn mạnh nhiều về kinh tế là đúng, kinh tế phải phát triển mạnh mẽ bởi vì người ta thường nói là có thực mới vực được đạo nhưng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội để cùng phát triển kinh tế mạnh mẽ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, các trường hợp đạo đức xuống cấp thời gian qua khiến chúng ta đau lòng. Kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống bản sắc dân tộc phải được gìn giữ, hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn, ngoài ra chúng ta nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật, hòa ý chí của mình vào khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
"Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng vấn đề môi trường là vấn đề nghiêm trọng; thứ hai là tình hình môi trường, chất lượng môi trường, khả năng để có thể chịu tải hơn được đối với môi trường là không còn nữa. Trong thế giới hội nhập sâu rộng thì vấn đề môi trường phải là vấn đề đi trước dẫn dắt, để tạo ra những đột phá về chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng thân thiện, chất lượng và hiệu quả" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay. |
Theo Kinh tế Môi trường