Các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ dịp cuối năm
Nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và đáp ứng chuẩn mực Basel II, Basel III, các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Được biết, theo nghị quyết HĐQT duyệt kế hoạch thực hiện chia trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 và cổ phiếu năm 2019, Vietcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 12% (sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng), tương đương với giá trị thanh toán 4.440 tỷ đồng, đồng thời phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới).
Theo đó, sau khi phát hành, vốn điều lệ Vietcombank thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng. Ngày 23/12 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông và ngày 5/1/2022 là ngày chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Tổng tỷ lệ cổ tức thực hiện chia là 39,6%.
Trong khi đó, BIDV cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 10.365 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 đã được cổ đông thông qua.
Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành là năm 2021-2022. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Theo đó, BIDV dự kiến sử dụng vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro...
Hiện tại, các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống lần lượt là VietinBank (48.058 tỷ đồng), VPBank (44.455 tỷ đồng) và BIDV (40.220 tỷ đồng). Tuy nhiên, thứ hạng này sẽ thay đổi đáng kể sau khi BIDV, Vietcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn.
Bên cạnh đó, một số nhà băng quy mô nhỏ và vừa cũng tăng vốn cuối năm. Chẳng hạn, VietABank vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 950 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ từ 4.450 tỷ đồng lên gần 5.400 tỷ đồng. Hình thức tăng vốn của VietABank là phát hành cổ phiếu phổ thông trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm 31/12/2020.
Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2021, VietABank dự kiến phát hành 95 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức, theo tỷ lệ 21,35%. Mục đích tăng vốn của ngân hàng này là nhằm đạt chuẩn Basel II, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô.
ABBank cũng vừa hoàn tất việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, 114,26 triệu cổ phiếu ABB đã được ABBank chào bán hết với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, nhà đầu tư (tương đương tỷ lệ tăng thêm 20% vốn điều lệ).
Sau khi hoàn tất phát hành cho cổ đông hiện hữu và 11,4 triệu cổ phiếu ESOP, ABBank sẽ tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu. Kết thúc giai đoạn chia cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của ABBank dự kiến đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Theo số liệu mới công bố của NHNN, tính đến ngày 30/9/2021, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng đạt 715.580 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm 2021.
Trong đó, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 348.481 tỷ đồng, tăng hơn 9,8% so với đầu năm nay, chiếm 49% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước đạt 169.690 tỷ đồng, tăng gần 9,3%, chiếm 24% vốn điều lệ toàn hệ thống. Trong khi đó, vốn điều lệ của các công ty tài chính, cho thuê tài chính tăng mạnh nhất (14,8%), đạt 35.077 tỷ đồng sau 9 tháng.