Bộ Tài chính: Triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế góp phần giảm áp lực mặt bằng và bình ổn giá
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, các chính sách hỗ trợ kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực mặt bằng giá. Trong đó, chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá.
Theo đó, Bộ Tài chính dự báo trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022 sẽ có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá do nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như: Xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch….
Ngoài ra, giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu. Thêm vào đó, dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, rủi ro về thiên tai, thời tiết trong năm cũng là những yếu tố gây bất lợi cho hoạt động chăn nuôi, sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Do vậy, hiện nay, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Trong đó, các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Đồng thời, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.
Căn cứ diễn biến giá cả thị trường hai tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2022 cho thấy, vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022.
Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Cùng với đó, Bộ cũng chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng....
Trên cơ sở đó, Bộ chủ động tăng cường phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý.
Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu chính cho sản xuất trong nước đang hoặc dự báo có biến động tăng cao trên thị trường thế giới để có biện pháp quản lý, điều hành kịp thời để bình ổn thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI của quý II để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.
Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI hai tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, giá gas trong nước tăng từ 1/2/2022 sau khi giảm trong tháng trước, mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng trong 4 kỳ điều hành trong hai tháng đầu năm.
Một số mặt hàng mặt hàng phòng chống dịch như kit-test xét nghiệm COVID 19 tăng giá cục bộ do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng sau Tết khi người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội, học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, số ca nhiễm bệnh tăng cao…
“Ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả chỉ nhích tăng nhẹ trước và trong Tết sau đó dần trở lại bình thường”, theo Bộ Tài chính.