Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất 4 giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
Số liệu được Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa công bố cho thấy, tiến độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện còn rất chậm.
Cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm |
Cụ thể, Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch.
Còn lại, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2020 là chậm, do đó việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 3 tháng còn lại của năm 2020 là khó khả thi.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đề xuất 4 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Thứ nhất, theo Bộ Tài chính, người thực thi cần nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Thứ hai, cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn .
Thứ ba, cần tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Thứ tư, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo |
Hiện nay, có khá nhiều nguyên nhân đang tác động đến hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp. Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ ra gồm: Chậm sửa đổi quy định về cổ phần hóa, thoái vốn; Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt; chưa chủ động hoặc chưa tham mưu, đề xuất với Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc; vẫn còn hiện tượng “không dám làm, không dám chịu trách nhiệm”...
Để thực hiện hiệu quả trong những tháng cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ đề xuất xâỵ dựng Nghị định về quản lý sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện các nghị định, khẩn trương trình Chính phủ ban hành; chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này. Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm