Bộ NN&PTNT: Giá thịt lợn sẽ không tăng đột biến vào dịp Tết Tân Sửu
Theo Bộ NN&PTNT, thời điểm này nhu cầu thịt lợn cao nhất dẫn đến giá tăng lên, giá tăng nhưng nguồn cung vẫn đang đảm bảo.
Tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ
Thông tin về tình hình nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng an toàn phục vụ Tết Tân Sửu 2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, so với năm 2019, năm 2020 sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5%; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng đạt 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.
Theo Bộ NN&PTNT giá thịt lợn sẽ không tăng đột biến vào dịp Tết Tân Sửu |
Dự kiến, từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5-10% so với bình quân. Nhu cầu thịt các loại khoảng 250.000-350.000 tấn/tháng, khoảng 1-1,1 tỷ quả trứng gia cầm…
“Tuy nhiên, với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung-cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, điều đáng ghi nhận là, vấn đề kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng được các địa phương coi trọng. Đến nay, đã có 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và tương đương với sản lượng 608.144 tấn thịt và 315.034 triệu quả trứng;
Đã phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn trên toàn quốc, tăng 130 chuỗi so với cuối năm 2019; tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại A/B đạt 98%; đã ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tỉ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiếm hóa chất, kháng sinh chỉ chiếm 0,32%.
Giá lợn hơi hiện nay đảm bảo lợi ích hài hòa giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, đạt 88% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 22% so với tháng 1/2020. Trong năm 2020, tốc độ tái đàn lợn rất mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện có 5,5 triệu con, tăng 175% so với hồi đầu năm. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố chăn nuôi lớn cũng có tốc độ tái đàn mạnh như Bình Phước, Đồng Nai…
Cục Chăn nuôi cũng đã cập nhật thông tin tại các địa bàn, có nơi giá lợn hơi ở mức 83.000-85.000 đồng/kg nhưng đó là giá đã qua đại lý cấp 1, cấp 2, còn giá lợn hơi chung ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam dao động ở mức 78.000-82.000 đồng/kg. Cũng theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi hiện nay đảm bảo lợi ích hài hòa giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng.
Nói về nguồn cung thịt lợn, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Thời điểm này nhu cầu thịt lợn cao nhất dẫn đến giá tăng lên, chứ nguồn cung vẫn đang đảm bảo. Chắc chắn giá thịt lợn dịp Tết này không tăng đột biến như Tết Canh Tý 2020 vì hiện tại chúng ta có thể chủ động được thực phẩm cho dịp cuối năm".
Cần đặc biệt lưu ý về tình trạng thẩm lậu lợn qua biên giới vào Trung Quốc do giá tại thị trường này gấp đôi thị trường Việt Nam. |
Cục Chăn nuôi cũng dự báo, nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm tăng khoảng 10-15%, nhưng với mức tăng như thế này không làm đẩy giá thịt lợn lên. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý về tình trạng thẩm lậu lợn qua biên giới vào Trung Quốc do giá tại thị trường này gấp đôi thị trường Việt Nam. Nếu không kiểm soát được tình trạng này thì cũng khó có thể đảm bảo giá thực phẩm trong nước.
Để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chức năng, các địa phương hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đặc biệt là đối với các sản phẩm tiêu dùng nhiều dịp Tết tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, địa chỉ bán sản phẩm chất lượng, an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này như thịt, giò chả, thủy sản, rau, quả… để kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm