Bình Phước: Giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân điêu đứng
Thời điểm này, hồ tiêu tỉnh Bình Phước bước vào vụ cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên, giá hồ tiêu xuống mức thấp, cộng với tình trạng khan hiếm nhân công hái tiêu và tiền công cao khiến nhiều người trồng
Giá xuống thấp, người trồng tiêu lâm vào cảnh nợ nần
Hồ tiêu một thời gian được ví như “vàng đen” của nông dân tỉnh Bình Phước vì có giá trị kinh tế rất cao. Do hiệu quả kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác nên nông dân ồ ạt trồng hồ tiêu bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây giá hồ tiêu xuống thấp, giao động từ 35.000 – 42.000 đồng/kg, cùng với việc tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến nông dân lao đao.
Ghi nhận của phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam tại một số huyện có diện tích hồ tiêu lớn tại tỉnh Bình Phước như Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập..., nơi đâu người trồng tiêu cũng kêu trời vì giá xuống thấp dù năng suất một số nơi vẫn cao.
Người trồng tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá tiêu liên tục lao dốc, khan hiếm nhân công. (Ảnh: PV)
Là hộ trồng tiêu lâu năm ở xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh, bà Vũ Thị Hoa cho biết, với 3.000 trụ tiêu, những năm trước đây gia đình bà lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, nhưng 2 năm nay liên tục lỗ.
Theo bà Hoa, khoảng 5 năm trước đây giá hồ tiêu ở mức rất cao, khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 250.000 đồng/kg đã làm cho nhiều hộ nông dân chỉ qua một mùa đã thành tỷ phú. Nhờ cây hồ tiêu, nhiều vùng quê nghèo ở Bình Phước bà con đã xây được những căn biệt thự khang trang, mua sắm được những vật dụng đắt tiền, cuộc sống không khác gì thành phố.
Chính do lợi nhuận vượt trội so với các loại cây trồng khác nên cây hồ tiêu đã tạo ra sức hút rất lớn đối với người dân. Nhiều nông hộ đã đi vay ngân hàng, thậm chí vay lãi ngoài đầu tư trồng tiêu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, cộng với giá cả lao dốc (có thời điểm vào đầu năm 2019 chỉ còn 42.000 đồng/kg) đã khiến nhiều hộ lâm cảnh nợ nần.
Bà Hoa cho rằng, với giá tiêu dao động 35.000-42.000 đồng/kg như hiện nay thì trung bình 100kg tiêu tươi sau khi phơi khô và xay ra chỉ còn khoảng được 10kg, với số này người dân thu được khoảng 420.000 đồng, trừ chi phí thu hái chỉ còn 100.000 đồng, không đủ chi trả công xay, phơi khô, tưới tiêu, chăm sóc, phân bón…
“Vụ trước, nhà tôi thu hoạch được 6 tấn tiêu, nhưng năm nay do thời tiết thay đổi thất thường nên chỉ thu hoạch chưa được 2 tấn. Hiện thương lái chỉ mua với giá 42.000/kg, thấp nhất trong mấy năm trở lại đây. Trong khi đó, chi phí sản xuất tiêu ngày càng tăng cao, cộng với tiền thuê người làm, tiền phân bón… thì vụ này coi như lỗ”, bà Hoa buồn rầu cho biết.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm