Biện pháp kích cầu kinh tế hậu đại dịch: Giảm thuế xăng dầu, hạ phí thuế ô tô
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tính cần thiết của việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
Tác động của dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều tổ chức, chuyên gia và cộng đồng quốc tế đều cho rằng dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, thiệt hại tương đương với các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu trước đây. Dịch càng kéo dài, thiệt hại ngày càng lớn, nguy cơ có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kéo theo hệ lụy là khủng hoảng xã hội do thiếu nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Về khía cạnh kinh tế, tác động của dịch và các biện pháp ngăn chặn dịch đã làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu; làm giảm cả “cung” và “cầu” trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn (như: ô tô, máy móc, thiết bị công nghiệp...) và dịch vụ, du lịch, vận tải đều bị ảnh hưởng nặng nề. Lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên... Tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và của các quốc gia đều bị tác động nghiêm trọng, nhiều nền kinh tế lớn được dự báo có mức tăng trưởng âm (-). Các khu vực nhạy cảm khác như tài chính, bảo hiểm, chứng khoán bị ảnh hưởng sẽ làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tài chính.
Vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) được giao cụ thể cho các bộ ngành.
Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong tháng 4/2020 việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 để khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Dự thảo cũng đề ra các chính sách như giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nội; giảm 50% thuế TNDN cho DNNVV trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ; miễn, giảm 50% thuế suất VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất...
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, báo cáo Chính phủ tăng thời gian gia hạn nộp TNDN năm 2019, thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN, tiền thuê đất lên 1 năm (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP là 05 tháng); bổ sung quy định giãn, hoãn nộp thuế khoán cho hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đối với DN...
Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng (đến hết Quý II/2020) để tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn vốn bổ sung vốn lưu động để thúc đẩy xuất khẩu. Rà soát các biểu thuế xuất nhập khẩu do Chính phủ ban hành để kịp thời điều chỉnh có thời hạn các mức thuế suất đối với một số lĩnh vực như thuế nhập khẩu xăng dầu đối với ngành hàng không.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với đơn vị miễn, giảm lãi suất, chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp khoảng 2%, nhất là đối với các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc trả các khoản vay trước dịch Covid-19 do nguồn thu bị giảm mạnh.
Cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho các DN có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19 (doanh thu quý I và quý II/2020 giảm trên 50%, có số lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 100 lao động, nộp ngân sách cao), thời hạn vay từ 6-9 tháng thông qua các ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với thời hạn vay từ 3-6 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Giao thông và vận tải báo cáo Chính phủ thực hiện áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV,VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có giải pháp giảm giá thuê đường truyền kết nối internet trong thời gian diễn ra dịch bệnh, miễn phí thuê đường truyền và phần mềm kết nối phục vụ các hoạt động trực tuyến, đặc biệt hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục.
Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cắt giảm chi thường xuyên để dành nguồn cho các nhiệm vụ cấp bách khác… Bên cạnh đó là các giải pháp cho vấn đề lao động, chuyên gia... trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Dự thảo đưa ra các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công; Về phát triển xuất nhập khẩu, thương mại và bảo đảm lương thực góp phần kìm chế chỉ số giá.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo