Bất ngờ khi Tân Hiệp Phát đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề mới
“Đại gia” ngành nước giải khát Tân Hiệp Phát vừa đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề kinh doanh mới. Trong đó, có cả bất động sản và logistics.
Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) vừa đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề kinh doanh mới vào tháng 8 vừa qua, nâng tổng số ngành nghề mà “đại gia” ngành nước giải khát này đã đăng ký lên 79 ngành nghề.
Trong đó, đáng chú ý là việc doanh nghiệp bổ sung ngành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết: cho thuê nhà ở, văn phòng, kho bãi; đầu tư xây dựng khu thương mại, siêu thị, cơ sở hạ tầng khu dân cư, đô thị); hoàn thiện công trình xây dựng; sản xuất đường; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất rượu vang; sản xuất săm, lốp cao su; sản xuất thủy tinh; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa; kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bốc xếp hàng hóa; tái chế phế liệu….
Ngành nghề kinh doanh chính vẫn là "Sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng", do Cục Thuế Tỉnh Bình Dương quản lý.
Đang chú ý, dù mới đăng ký bổ sung thêm ngành nghề bất động sản, nhưng trước đó Tân Hiệp Phát đã nổi tiếng trên thị trường nhà đất khi lập ra hàng chục công ty bất động sản do các thành viên trong gia đình ông Trần Quí Thanh đứng tên và góp vốn.
Theo giấy thay đổi đăng ký doanh nghiệp ngày 02/08/2023, Tập Hiệp Phát giữ nguyên hai người đại diện pháp luật doanh nghiệp là bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quí Thanh) - giữ chức Tổng Giám đốc và ông David Riddle - giữ chức Phó Giám đốc.
Trước đó, trong nội dung đăng ký doanh nghiệp cập nhật vào ngày 15/5, ông Trần Quí Thanh không còn là đại diện pháp luật của Tân Hiệp Phát nữa.
Thay vào đó là bà Phạm Thị Nụ (sinh năm 1957) - vợ ông Thanh - giữ chức Tổng giám đốc. Người đại diện pháp luật thứ hai của doanh nghiệp này là ông David Riddle, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.
Bà Phạm Thị Nụ là đồng sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng ông Trần Quí Thanh. Bà cũng là một trong những cổ đông chính tại những doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tân Hiệp Phát.
Thành lập năm 1994, Tân Hiệp Phát được biết đến là một doanh nghiệp lớn nhất sản xuất nước giải khát không cồn với nhiều nhãn hàng khác nhau, trải rộng từ trà đóng chai, nước tăng lực, nước bí đao cho tới sữa đậu nành và một số ngành hàng khác.
Tuy nhiên, gần như chủ yếu doanh thu của đơn vị này đến từ nhóm ba sản phẩm chính là Trà xanh Không độ, Trà Dr Thanh và Nước tăng lực Number One.
Theo số liệu kinh doanh của Tân Hiệp Phát, năm 2014, Tân Hiệp Phát ghi nhận kết quả doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 930 tỷ đồng và lãi sau thuế 730 tỷ đồng.
Năm 2019, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương, doanh thu của Tân Hiệp Phát đạt 5.850 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 648 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lợi nhuận giữ lại chiếm phần lớn, đạt hơn 472 tỷ đồng.
Trước đó, theo Forbes vào năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau.
Hệ sinh thái của Tân Hiệp Phát xoay quanh ba doanh nghiệp chính là công ty mẹ Tân Hiệp Phát Bình Dương, Number One Hà Nam và Number One Chu Lai. Là công ty gia đình, cổ đông của Tân Hiệp Phát là các thành viên gia đình ông Trần Quí Thanh.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 9/9/2022, Công ty Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng với các cổ đông, gồm bà Phạm Thị Nụ nắm 54,49% vốn điều lệ, bà Trần Uyên Phương nắm 29,38% vốn điều lệ, bà Trần Ngọc Bích nắm 16,12% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, đến ngày 22/9/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỷ đồng nhưng các tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Thanh không thay đổi.
H. An