0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 07/12/2021 14:14 (GMT+7)

Bất chấp dịch bệnh, xuất khẩu dệt may của nước ta dự kiến cán đích 39 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 39 tỷ USD, bằng với mục tiêu kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2020. Trong năm 2021,mặc dù gặp nhiều khó khăn thế nhưng kết quả sản xuất kinh doanh ngành dệt may vẫn khá khả quan.

Sáng 7/12 hôm nay, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tổ chức họp báo công bố chương trình "Hội nghị tổng kết 2021" sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tới đây. 

Tại cuộc họp báo,  ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành dệt may vẫn khá khả quan.

tm-img-alt
Ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch thường trực, Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại buổi họp báo được tổ chức sáng 7/12. Ảnh: Sưu tầm

Cụ thể, từ cuối năm ngoái, ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 39 tỷ USD. Bước sang năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dựa theo kế hoạch ban đầu của ngành đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt mức cao nhất từ 38 – 38,5 tỷ USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam dự kiến sẽ đạt 39 tỷ USD, bằng với mục tiêu kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2020, thậm chí là cao hơn so với kịch bản tăng trưởng cao nhất trong năm 2021.

Ông Cẩm chia sẻ thêm,“Từ ngày 1/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Đây là một động lực rất lớn để từ thời điểm đó đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể, đặc biệt nhất là trong Quý IV năm nay để VITAS có thể lạc quan cho rằng, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 có thể đạt kim ngạch 39 tỷ USD".

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiệp hội dự báo, tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn. Dựa nền tảng khả quan của năm 2021, bước sang năm 2022, ngành dệt may sẽ xây dựng 3 kịch bản phát triển.

tm-img-alt
Ngành dệt may xây dựng 3 kịch bản phát triển trong năm 2022. Ảnh: Sưu tầm

Trong đó, kịch bản thứ nhất, nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát cơ bản ngay từ đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu khá tham vọng, hướng đến mức 42,5  - 43,5  tỷ USD trong năm 2022.

Ở kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh được soát về cơ bản vào giữa năm, ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 40 – 41 tỷ USD.

“Trong tình hình xấu hơn với kịch bản thứ ba, khi biến chủng Omicron đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới và khả năng kiểm soát dịch bệnh có thể kéo dài đến cuối năm 2022, với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn có thể đạt mức xuất khẩu từ 38 – 39 tỷ USD”, ông Cẩm nêu rõ tại buổi họp báo.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như Liên đoàn các Nhà sản xuất dệt may quốc tế (ITMF), Liên đoàn Dệt May Đông Nam Á (AFTEX), Liên đoàn Thời trang Châu Á (AFF)...

Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu...

Trong thời gian tới, VITAS sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…; đồng thời, chủ động tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, đàm phán cùng Chính phủ về hiệp định thương mại tự do nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may.

Hội nghị tổng kết năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 17/12/2021, dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Đây là sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của hiệp hội trong năm 2021 vàchỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà DN hội viên và hiệp hội cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.

Đồng thời Hội nghị cũng sẽ diễn ra Hội thảo xoay quanh tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến DN và người lao động của ngành Dệt May; biến đổi khí hậu trong ngành thời trang; thương mại bền vững; chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm; thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch COVID-19.

Song song đó, hội thảo sẽ có phần đối thoại giữa các bên đại diện quản lý Nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp dệt may, công đoàn, nhãn hàng và đại diện tổ chức quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết Bất chấp dịch bệnh, xuất khẩu dệt may của nước ta dự kiến cán đích 39 tỷ USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023