0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 21/06/2023 10:32 (GMT+7)

Báo chí thời đại số "quyền lực" lung lay và những nỗ lực chuyển mình

Báo chí được ví như "quyền lực thứ 4" khi nắm trong tay phương tiện truyền thông đáp ứng nhu cầu đông đảo bạn đọc và có những ảnh hưởng to lớn tới đời sống chính trị, xã hội.

Tuy nhiên trong thời đại số hiện nay nhà nhà kết nối, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối wifi là có thể tiếp cận muôn vàn thông tin từ các trang mạng xã hội. Điều này có khiến quyền lực của báo chí bị lung lay?

tm-img-alt
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Báo chí trước áp lực thay đổi

Trong xu thế kết nối toàn cầu, các trang mạng xã hội phát triển nở rộ và ngày càng tiện ích. Dễ sử dụng, cập nhật nhanh chóng và "cá nhân hóa" là những yếu tố để mạng xã hội tạo sức hút độc giả. Ở đó, độc giả được phân phối thông tin đến tận bàn ăn, giường ngủ bởi thế việc tiếp cận thông tin rất nhanh chóng và dễ dàng. Điều này đã khiến cho việc lật dở những trang báo hay tìm kiếm những tên miền báo chí trở nên "phiền hà".

Bởi thế đã xuất hiện thêm thuật ngữ "quyền lực thứ 5" để dành cho những phương tiện truyền thông mới qua Internet như blog cá nhân, mạng xã hội gồm: Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, Tik Tok...

Có thể dễ dàng nhận thấy ngay những ưu điểm của "quyền lực thứ 5". Đầu tiên là không bị giới hạn về không gian khi người dùng có thể đọc được ở mọi nơi, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau... và thời gian đọc - bất kỳ lúc nào, dễ dàng tìm lại tư liệu.

Tiếp đến là sự dễ dàng trong việc tiếp cận và bình đẳng với tất cả mọi người. Ai cũng có thể sử dụng các thiết bị từ đắt tiền đến rẻ tiền để đọc và viết, ở bất kỳ trạng thái nào.

tm-img-alt
Báo chí trước áp lực cạnh tranh với mạng xã hội.

Và một điều tạo nên sự hấp dẫn cho "quyền lực thứ 5" là tính cá nhân hóa. Thay vì chỉ thụ động tiếp nhận thông tin, người đọc có thể trở thành nhà sản xuất thông tin. Mỗi cá nhân luôn được khuyến khích để lập ra một trang web hoặc blog, tài khoản Facebook, Instagram, Twitter, Tik Tok... và thu hút cộng đồng tương tác.

Và thực tế hiện nay trên mạng xã hội có không ít những cá nhân thu hút hàng trăm nghìn hay hàng triệu lượt theo dõi, thậm chí với lượt xem còn nhiều hơn cả một số tờ báo hay phương tiện truyền thông nhờ đưa tin nhanh, xoáy sâu vào những vấn đề mà báo chí truyền thống ít đề cập.

Chính tốc độ phát triển và những sức hút từ "quyền lực thứ 5" khiến cho báo chỉ phải tự đổi mới nếu không sẽ tụt hậu và trở nên lép vế. Bởi dù tiện lợi nhưng các phương tiện mạng xã hội vẫn bộc lộ những hạn chế và tiêu cực. Sự bất cập lớn nhất là nguồn thông tin này nhiều khi sai lệch, không kiểm chứng được, không có độ tin cậy, hoặc nhằm mục đích trục lợi...

Báo chí Việt Nam trong nỗ lực chuyển đổi số

Để đảm bảo cho sự phát triển và thích ứng của báo chí, truyền thông Việt Nam, hòa nhập cùng với dòng chảy của xu hướng báo chí toàn cầu, phục vụ cho các nhiệm vụ của đất nước, tại Nghị quyết 50 ngày 20.5.2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Cũng nằm trong lộ trình hiện đại hóa báo chí, xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ngày 6/4/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

tm-img-alt
Mô hình tòa soạn hội tụ được nhiều cơ quan báo chí triển khai đã thể hiện rõ.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

Về phát triển các sản phẩm báo chí số, Chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.

Để phát triển nền tảng số, Chiến lược xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến) quốc gia; nền tảng báo chí điện tử.

Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.

Đặc biệt mới đây, ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, bộ phận thường trực đặt tại Cục Báo chí. Sự ra đời sẽ của đơn vị này góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Theo ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), trung tâm sẽ là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; kết nối, tập hợp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín, lãnh đạo của các cơ quan báo chí có vai trò dẫn dắt để cùng giải quyết những vấn đề mà công cuộc chuyển đổi số báo chí đặt ra; hỗ trợ thiết thực với các hoạt động như đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ cùng với một Chiến lược chuyển đổi số đường dài có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và mang tính khả thi, dựa trên thực tế, các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đang nỗ lực nắm bắt cơ hội để thích ứng nhanh nhạy với việc làm báo trong thời đại mới. Không chỉ chú trọng đầu tư phương tiện hiện đại, đổi mới phương thức truyền thông mà còn đẩy mạnh việc đào tạo chuẩn hóa nhân lực báo chí cả về chuyên môn và đạo đức nghề báo.

Bình Châu 

Bạn đang đọc bài viết Báo chí thời đại số "quyền lực" lung lay và những nỗ lực chuyển mình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới