Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 chính thức công bố
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 dựa trên mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26. Từ đó xem xét các kịch bản tương lai với các phát hiện và khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này.
Sáng nay (2/6), Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21) được công bố. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch.
Theo đó, Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 trình bày các kết quả nghiên cứu về các kịch bản phát triển điện và năng lượng; khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn; Cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển Điện VIII cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Báo cáo cung cấp nền tảng trên cơ sở kịch bản hóa để hỗ trợ các quyết định chính sách bằng cách làm rõ triển vọng phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050 dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa đầy đủ và chi tiết.
Điểm đặc biệt của EOR21 là dựa trên mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), các kịch bản đã được xem xét cùng những phát hiện và khuyến nghị mới. Từ đó xem xét các kịch bản tương lai với các phát hiện và khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Bộ Công Thương, EOR 21 là phiên bản mới nhất, được xây dựng nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam theo cách bền vững hơn thông qua việc thực hiện chính sách và kế hoạch tối ưu hoá chi phí. Báo cáo được xây dựng theo một quy trình mở, có sự tham gia của nhiều bên trong lĩnh vực năng lượng thông qua các nhóm làm việc, các hội thảo đào tạo mô hình Balmorel cho các bên liên quan của Việt Nam.
Được biết, các phiên bản trước đó đã được ra đời lần lượt vào năm 2017 và 2019. Theo kế hoạch, Báo cáo triển vọng năng lượng sẽ được công bố hai năm một lần, đảm bảo các dữ liệu cập nhật và mô hình mới nhất phù hợp để hỗ trợ hiệu quả việc xây dựng kế hoạch năng lượng dài hạn tại Việt Nam.
Trong đó, phiên bản EOR 17 đánh dấu bước đầu tiên cung cấp tầm nhìn dựa trên kịch bản dài hạn cho hệ thống năng lượng Việt Nam, là nền tảng để phân tích hệ thống năng lượng dựa trên trạng thái mô hình hệ thống năng lượng hiện đại. Sau EOR 17, Danh mục Công nghệ cho ngành Điện đầu tiên tại Việt Nam đã được công bố.
Tiếp đó, EOR19 đưa ra các kịch bản cập nhật phong phú hơn dựa trên dữ liệu đầu vào vững chắc. Trong đó bao gồm các dự báo về giá công nghệ và nhiên liệu, nhu cầu năng lượng, bộ mô hình năng lượng liên kết, toàn diện để đảm bảo thiết lập chi tiết và vận hành trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, “Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng”.
Trong xu hướng toàn cầu, Việt Nam đã và đang thích ứng nhanh với quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Chuyển dịch năng lượng cũng trở nên cấp thiết hơn đối với Việt Nam khi vừa phải giải quyết hai yêu cầu chính quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đó là đảm bảo an ninh năng lượng cho các cộng đồng địa phương thông qua việc cung cấp năng lượng đầy đủ, đáng tin cậy và giá cả phải chăng; đồng thời đạt được mục tiêu của Việt Nam là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong Quy hoạch điện VIII vừa cập nhật, Bộ Công Thương đã lồng ghép các cam kết của Việt Nam thông qua loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than mới sau năm 2030. Công suất lắp đặt mới điện than từ nay đến 2030 còn khoảng 12 GW.
Trước đó, theo nhận định của ông Bùi Duy Thành, Chuyên gia trưởng về Kinh tế năng lượng Ngân hàng Phát triển châu Á, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc bắt đầu giảm mạnh phát thải từ năm 2030 hết sức quan trọng. Điện gió, điện mặt trời sẽ phải trở thành nguồn phát điện chính, chiếm hơn 50% sản lượng điện vào giữa thế kỷ này. Đối với điện than, giải pháp là chuyển đổi từ than sang sinh khối, cùng đốt với amoniac và tiến tới chấm dứt hoạt động. Điện khí thiên nhiên và LNG sẽ chuyển đổi sang nhiên liệu Hydrogen.
Lan Anh