Bài văn khấn cúng ông Công ông Táo do chuyên gia phong thuỷ gợi ý
Theo quan niệm dân gian, mỗi gia đình đều có một ông Công ông Táo và đến ngày 23 tháng Chạp, ông lại về trời để báo cáo với thiên đình trong một năm đã qua của gia đình.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, người xưa tin rằng, mỗi gia đình đều có một ông Công, ông Táo và đến ngày 23 tháng Chạp, ông lại về trời để báo cáo với thiên đình về những việc mà gia đình đó làm được trong năm qua.
Ông Công, ông Táo lại thường ở trong bếp (nơi mà không có gì có thể bí mật). Gia đình đó tốt xấu thế nào, hòa thuận hay không hòa thuận… ông Công, ông Táo đều biết cả.
Văn hóa, tín ngưỡng dân gian nó hay ở chỗ đó. Dù có hay không có ông Công, ông Táo nhưng cái chính là ý nghĩa giáo dục của nó.
Về thời điểm cúng ông Công ông Táo, theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, các gia đình thường thực hiện cúng lễ trước giờ này.
Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
Tuy nhiên, GS.TS Ngô Đức Thịnh lại cho rằng: Tôi chưa thấy có sách nào nói về điều đó nhưng qua quan sát thực tiễn, tôi thấy không nhất thiết phải như vậy. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều, có người cúng hôm trước.
Theo ông Thịnh, nếu cúng vào đúng ngày 23 tháng Chạp thì vẫn hay hơn, quan trọng nhất vẫn là lòng thành. Tuy nhiên, cũng không nên cúng sớm quá như trước vài ngày.
Theo GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vào ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Đồng thời sẽ làm một mâm cỗ mặn, 3 bộ quần áo bằng vàng mã, ba con cá chép sống, cùng xôi, chè mật và hương hoa tiễn ông Táo về chầu trời.
Văn khấn cúng tiễn ông Công ông Táo (do các chuyên gia phong thủy gợi ý)
Gia chủ viết văn khấn vào một tờ giấy sớ màu đỏ hoặc màu vàng
Kính lạy Thượng Đế.
Kính lạy Ngũ Đế. Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy các vị đại tiên.
Kính lạy: Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng. Trung đàm thần tướng thiên thiên binh.
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ, thần tài hạ đàn chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm... Mậu Tuất. Là ngày thần Táo quân về trời tấu sớ. Tín chủ con tên là... sinh ngày... tháng... năm... nguyên quán... địa chỉ thường trú... với tấm lòng thành kính con xin sửa soạn lễ vật, cùng sơn hào hải vị, tiền vàng, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời tấu sớ lên Ngọc Hoàng Đại Đế.
Kính lạy Sơn Thần, Long Thần, Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ hạ đàn chứng lễ.
Trong năm qua nhờ ân phúc của Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên và các Ngài mà chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, vận khí hanh thông mọi việc đều như ý.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính biết ơn và xin được tiễn chư ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị Thần Tiên, toàn gia quyến chúng con xin vô cùng cảm tạ ân đức của Thượng Đế cùng chư ngài đã che chở cho chúng con trong suốt năm qua.
Nay kính mong Thần Táo Quân gợi ý lên Tam Thanh Ngọc Hoàng Đại Đế cầu xin Thượng Đế khai ân minh xét để sang năm mới Mậu Tuất 2018, đất nước con được thái bình, quê hương con được giàu đẹp, gia tộc và gia đình con luôn được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng, vận khí hanh thông, vạn sự như ý.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị Đại Tiên, cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế. Con xin tỏ lòng biết ơn và xin đa tạ.
Con xin đa tạ, con xin đa tạ, con xin đa tạ!
Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần.
Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi.