0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 20/03/2022 06:30 (GMT+7)

Ba yếu tố giúp Việt Nam không chịu tác động lớn khi Fed tăng lãi suất

ACBS cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ không bị nhiều tác động lớn đối với việc Fed tăng lãi suất nếu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì lạm phát dưới 4%; dòng vốn FDI vào tiếp tục mạnh và hoạt động thương mại...

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 5,9 - 6,8%.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Công ty cho rằng dấu hiệu kinh tế tích cực, gói hỗ trợ hồi phục kinh tế được ban hành gần đây, tỷ lệ tiêm chủng cao, chiến lược sống chung với COVID-19 và việc mở cửa trở lại của du lịch quốc tế là các điểm chính cho sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022.

Trong tháng qua có hai sự kiện có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam là Fed tăng lãi suất và căng thẳng Nga-Ukraine. Hai sự kiện trên được cho là sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam và gia tăng áp lực tăng lạm phát lên nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ACBS cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không bị nhiều tác động lớn đối với việc Fed tăng lãi suất nếu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì lạm phát dưới 4%; dòng vốn FDI vào tiếp tục mạnh và hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu tiếp tục duy trì ổn định.

Ngoài ra, ACBS kỳ vọng lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì dưới mức mục tiêu 4% của Chính phủ vào năm 2022. Công ty nhận định giá lương thực và thực phẩm sẽ ổn khi hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa vào năm 2022. Nguồn cung các loại lương thực, thực phẩm sẽ không bị gián đoạn do thiếu cung hoặc nhu cầu đột biến tăng mạnh hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc công suất sản xuất thấp. Hơn nữa quy mô gói kích thích tài khóa và tiền tệ tương đối nhỏ (khoảng 4% GDP năm 2021) và sẽ không gây áp lực lớn lên CPI.

Điểm lại tình hình kinh tế tháng 2, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số PMI Markit mở rộng lên 54,3 từ mức 53,7 trong tháng trước.

Vốn FDI giải ngân tăng 7,9% trong tháng 2 lên 1,07 tỷ USD, trong khi vốn FDI cam kết giảm 15,9% xuống 2,9 tỷ USD do sự gia tăng đột biến của các dự án lớn trong năm ngoái.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 17,6% so với cùng kỳ nhưng nhập siêu 2,3 tỷ USD, trong khi thương mại nội địa ghi nhận tổng mức bán lẻ tăng 3,1%.

Lãi suất liên ngân hàng tăng trong suốt tháng 2 do thanh khoản hệ thống ngân hàng bị hạn chế trong dịp Tết Nguyên đán khi người dân chi tiêu và sử dụng nhiều tiền mặt.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1% so với tháng trước và tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá trung tâm USD/VND tăng 0,18% trong tháng 2 và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng 0,75% so với tháng trước.

ACBS cho rằng vấn đề trước mắt mà thị trường đang chú ý lúc này là quyết định tăng lãi suất của Fed và sự thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn thế giới để đối phó với lạm phát gia tăng.

Cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ khiến các nhà đầu tư luôn dõi theo xem ảnh hưởng có thể xảy ra đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào, vốn chưa rõ ràng do tất cả những điều không chắc chắn xung quanh tình hình hiện nay, tuy nhiên những lo ngại ban đầu dường như xoay quanh việc giá dầu tăng và tác động của chúng lên lạm phát.

Về đại dịch, với tỷ lệ tiêm chủng cao trong nước cùng với việc tiếp cận các phương pháp điều trị ngày càng tăng, ACBS kỳ vọng sẽ không có bất kỳ động thái lớn nào cản trở sự phục hồi kinh tế. Các hoạt động du lịch dự kiến mở cửa trở lại vào 15/3 có thể thúc đẩy sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch.

Bạn đang đọc bài viết Ba yếu tố giúp Việt Nam không chịu tác động lớn khi Fed tăng lãi suất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới